Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam rất cần có cơ chế đặc thù

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô lớn, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thì việc cho phép dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.

Dự án quy mô rất lớn, yêu cầu công nghệ kỹ thuật phức tạp

Sáng nay (13/11), trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr-CP mà Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thay mặt Chính phủ trình bày.

Video tổng quan dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được chiếu tại Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án. Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách Nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao", ông Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

"Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng", ông Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam.

"Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết", ông Thanh nói.

Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

"Về cơ bản các cơ chế, chính sách đề xuất là cần thiết, trong đó một số cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép thời gian qua. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các cơ chế, chính sách, trong đó lưu ý một số cơ chế, chính sách", ông Thanh nói.

Xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn

Về chính sách đặc thù cho dự án, Ủy ban Kinh tế lưu ý chính sách về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn mỗi giai đoạn được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc xác định mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn của dự án cần được tính toán, xác định rõ và nằm trong tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công của từng giai đoạn.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, việc bố trí vốn trung hạn của dự án và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

"Đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần có chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương hằng năm giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án", ông Thanh nói.

Toàn cảnh phiên họp sáng nay của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp sáng nay của Quốc hội.

Với chính sách đặc thù, đặc biệt về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án, ông Thanh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là một trong những điều kiện quan trọng trong quá trình thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư một dự án đầu tư công.

Dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn rất lớn, do đó cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng để bảo đảm cân đối nguồn lực chung của cả đất nước cũng như bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn triển khai thực hiện. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đúng quy định tại khoản 7 Điều 8 Quy định số 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

"Vì vậy, một số ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công về nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Trường hợp Chính phủ báo cáo giải trình rõ hơn, cụ thể hơn, có tính khả thi cao những vấn đề được đề cập nêu trên và được cấp có thẩm quyền cho phép thì có thể cân nhắc xem xét, quyết định khi có sự đồng thuận của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

Về chính sách thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quyết định chủ trương đầu tư dự án chỉ bao gồm các nội dung cơ bản, cốt lõi, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án. Đây là cơ sở đánh giá, giám sát việc triển khai thực hiện và sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm mục tiêu của dự án đã được Quốc hội quyết định.

Bên cạnh đó, dự án có tổng mức đầu tư rất lớn nên việc thay đổi dưới 10% tổng mức đầu tư (khoảng 171.000 tỷ đồng) là số tiền rất lớn, tác động đến cân đối ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công trong trung hạn và hằng năm. Do đó, cần được Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm cân đối, tổng thể chung.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, qua kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, mặc dù đã cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù.

Tuy nhiên, do việc xây dựng các chính sách đặc thù chưa được rà soát kỹ lưỡng và lường hết các khó khăn, dẫn đến các địa phương có cách hiểu khác nhau, lúng túng trong việc áp dụng. Do đó, đề xuất của Chính phủ về việc ban hành Nghị định để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là có cơ sở.

Về đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, về bản chất là việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Do dự án có quy mô, tính chất phức tạp, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt có thể có ảnh hưởng tác động lớn, do đó cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định.

"Để bảo đảm tính cấp bách của dự án, đề nghị Quốc hội xem xét ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chia thành các nhóm sau:

Chính sách 1 về cơ cấu nguồn vốn cho dự án.

Chính sách 2 về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án.

Chính sách 3 về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án.

Chính sách 4 về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.

Chính sách 5 về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

Chính sách 6 về bãi đổ chất thải rắn xây dựng.

Chính sách 7 về phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng nguồn nhân lực cho dự án.

Chính sách 8 về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.

Chính sách 9 về phân chia dự án thành phần.

Chính sách 10 về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Chính sách 11 về lựa chọn phương án kiến trúc nhà ga thuộc dự án.

Chính sách 12 về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Chính sách 13 về lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Chính sách 14 về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.

Chính sách 15 về định mức, khoản mục chi phí.

Chính sách 16 về bố trí vốn cho dự án.

Chính sách 17 về cơ chế, chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính sách 18 về ban hành nghị quyết chứa quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của dự án.

Chính sách 19 về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-rat-can-co-co-che-dac-thu-192241113090447265.htm