Đồng ý gia hạn tiến độ giai đoạn 2 của dự án Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh Komix
Chiều nay 25/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng làm việc với Công ty Cổ phần Phân vi sinh Quảng Trị (đóng tại Khu công nghiệp Quán Ngang) về tình hình thực hiện dự án Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh Komix.
Công ty Cổ phần Phân vi sinh Quảng Trị được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Komix tại Khu công nghiệp (KCN) Quán ngang với diện tích 50.950 m2. Quy mô của dự án là xây dựng nhà máy với công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm, chia làm 2 giai đoạn. Tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng; thời hạn hoạt động 50 năm; tiến độ thực hiện 24 tháng từ tháng 5/2009 đến tháng 5/2011. Mục tiêu của dự án là cung cấp phân bón cho các công ty cao su trên địa bàn tỉnh, trong khu vực và quốc tế.
Quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Phân vi sinh Quảng Trị đã triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh Komix (giai đoạn 1) vào năm 2011 với diện tích 38.901m2; diện tích còn lại là 12.049 m2 và nhiều năm sau đó, thậm chí đến nay công ty này vẫn chưa đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà máy giai đoạn 2 theo dự án đã được phê duyệt.
Ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 2809/QĐ- UBND cho phép công ty này gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng. Tuy nhiên, quá thời gian gia hạn mà công ty vẫn chưa thực hiện.
Qua làm việc với công ty và các đơn vị liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo UBND tỉnh tình hình sử dụng đất đối với dự án này, trong đó kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng việc lập thủ tục thu hồi đối với phần đất chậm tiến độ của dự án để công ty lập hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch, bổ sung mục tiêu dự án, hoàn thành các thủ tục và đưa dự án vào hoạt động sản xuất trước ngày 31/12/2023. Trường hợp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục thu hồi đối với phần đất vi phạm.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Phân vi sinh Quảng Trị, đến ngày 17/10/2022, công ty đã thực hiện thành công việc đấu giá thoái vốn và chuyển đổi chủ sở hữu và tái cấu trúc doanh nghiệp. Ngày 10/6/2024, công ty thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh lần 3 nâng vốn điều lệ lên 50 tỉ đồng. Đến hết tháng 9/2024, doanh số sản xuất kinh doanh của công ty ước đạt 32,4 tỉ đồng.
Hiện nay, công ty đề xuất tiếp tục được thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của dự án để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng viên (gồm 1 nhà xưởng sản xuất chính, 1 nhà chứa nguyên vật liệu, 1 nhà kho thành phẩm) với diện tích xây dựng 3.024 m2, đổ bê tông làm mới bãi phơi đập than nguyên liệu với diện tích 3.000 m2...
Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện hoàn thành đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động đã chậm khoảng 13 năm và khu đất tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 đã hết hạn gia hạn tiến độ sử dụng đất, chưa dược UBND tỉnh xem xét, kéo dài tiến độ sử dụng đất. Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đề nghị công ty làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm thống nhất phương án gia hạn tiến độ sử dụng đất để đơn vị có cơ sở tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh dự án đầu tư đảm bảo thống nhất tiến độ đầu tư, tiến độ sử dụng đất của dự án theo đúng quy định.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân vi sinh Quảng Trị bày tỏ nguyện vọng được gia hạn tiến độ sử dụng đất để hoàn thành dự án giai đoạn 2, ổn định sản xuất.
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chấp thuận nguyện vọng được gia hạn tiến độ sử dụng đất để thực hiện dự án giai đoạn 2 và yêu cầu công ty phải hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2025.
Để đồng hành, hỗ trợ công ty hoàn thiện dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với công ty thống nhất phương án trình UBND tỉnh xem xét gia hạn tiến độ sử dụng đất; hướng dẫn công ty điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 10/2024.
Yêu cầu Công ty Cổ phần Phân vi sinh Quảng Trị phải cam kết thực hiện dự án, đảm bảo năng lực đầu tư và rà soát lại hệ thống dây chuyền, máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất.