Đồng Nai khai thác lợi thế cảng biển
Đồng Nai đang có những chiến lược phát triển hệ thống cảng biển gắn liền với việc nâng cấp chất lượng quản lý hải quan ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng mọi nhu cầu xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa. Trong đó, phát triển hải quan cửa khẩu để mở rộng kiểm soát đối với những mặt hàng bắt buộc phải làm thủ tục tại hải quan cửa khẩu.
Bên cạnh việc nâng cấp, mở rộng và nâng cao chất lượng kiểm soát hải quan đối với hàng hóa đăng ký làm thủ tục tại các đơn vị hải quan Đồng Nai đã góp phần thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan tại Đồng Nai. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự phát triển giao thương hàng hóa, tỷ lệ đăng ký thủ tục hải quan tại Đồng Nai đã tăng lên đáng kể so với thời gian trước.
Nhu cầu vận tải hàng hóa cảng biển tăng cao
Đồng Nai hiện có 21 cảng biển đang hoạt động trên các tuyến sông: Đồng Nai, Nhà Bè - Lòng Tàu và Thị Vải. Phần lớn các cảng biển đều có hoạt động vận chuyển hàng hóa XNK.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai (HQĐN), hiện Cục HQĐN có 10 địa điểm thông quan hàng hóa thuộc 7 chi cục hải quan ngoài cửa khẩu. Từ năm 2022, Cục HQĐN đã triển khai bộ máy hải quan theo mô hình tổ chức chi cục hải quan cảng biển (chi cục hải quan cửa khẩu), tạo thuận lợi cho hàng hóa XNK của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở nhà máy sản xuất đóng trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Đồng thời, góp phần giảm bớt áp lực cho các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên...
Nhiều doanh nghiệp XNK hàng hóa cho rằng, Đồng Nai hiện vẫn thiếu hải quan cửa khẩu nên hoạt động XNK của các doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp bị tăng chi phí do hàng hóa phải chuyển cửa khẩu, chưa phát huy hết lợi thế của hệ thống cảng biển quốc tế và cảng sông, cảng cạn (ICD).
Ông Nguyễn Văn Ban, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai, đơn vị có chi cục hải quan cửa khẩu đầu tiên của Đồng Nai hoạt động giám sát, thông quan hàng hóa XNK từ năm 2022, cho biết Cảng Đồng Nai đang khai thác, kinh doanh dịch vụ kho bãi, cảng biển; đại lý và dịch vụ khai thác hàng hải; dịch vụ cảng cạn, xếp dỡ, kiểm đếm, đóng rút, lưu trữ, giao nhận hàng hóa, logistics…
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đạt kết quả tốt. Năm 2024, doanh thu đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1,3 ngàn tỷ đồng, tăng 10% doanh số so với cùng kỳ năm 2023. Để có kết quả trên, ông Ban nhận định, năm 2024, Cảng Đồng Nai đã nhận được sự hỗ trợ tối đa của tỉnh, đã tạo điều kiện về đất đai để thực hiện Dự án Mở rộng Cảng Đồng Nai giai đoạn 2B (mở rộng hệ thống kho bãi). Giảm tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng nhằm đáp ứng nhu cầu sản lượng tăng cao của khách hàng cũng như tăng sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại cảng. Bên cạnh đó, cảng cũng đã triển khai ePORT giúp tối ưu hóa quy trình khai thác, thanh toán, hướng đến đơn giản hóa, giảm thời gian giao dịch và thực hiện khai thác nhanh hơn.
Nâng cao chất lượng kiểm soát hải quan các cảng biển
Đồng Nai không có cảng biển quốc tế nhưng có các cảng sông quốc tế chạy dọc theo sông Đồng Nai, được chia thành 3 cụm cảng là: Long Bình Tân, Nhơn Trạch và Gò Dầu, với trên 10 cầu cảng bao gồm cả cảng chuyên dụng và cảng tổng hợp.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nhơn Trạch Phạm Quang Quốc cho biết, chi cục được phân công quản lý 3 cảng tổng hợp (Vĩnh Hưng, Khu công nghiệp Ông Kèo, Phước An) và 9 cảng chuyên dùng (Bến cảng Phú Đông, Bến cảng xăng dầu Tổng kho 186, Bến cảng xăng dầu Phước Khánh…). Năm 2024, Chi cục Hải quan Nhơn Trạch dự ước làm thủ tục cho khoảng 740 lượt tàu, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2023 (673 lượt). Trong đó, nhập cảnh khoảng 270 lượt tàu, xuất cảnh khoảng 270 lượt tàu, chuyển cảng khoảng 200 lượt tàu. Hiện Chi cục Hải quan Nhơn Trạch vẫn đang từng bước hoàn thiện lộ trình hiện đại hóa hải quan. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan…
Theo nhận định của Cảng Đồng Nai, việc nâng cấp Chi cục Hải quan cửa khẩu giúp Cảng Đồng Nai thu hút thêm các mặt hàng mới như: rượu, thuốc lá, hàng quá cảnh. Từ đó mở rộng thị trường XNK. Cảng có thể tiếp cận thị trường Campuchia và các nước lân cận dễ dàng hơn, thúc đẩy hoạt động XNK hàng sắt, thép vận chuyển đi Campuchia.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng cảng biển, Cục trưởng Cục HQĐN Lê Văn Thung cho biết, với mô hình Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đồng Nai được làm thủ tục hải quan cho các loại hàng hóa XNK kinh doanh thương mại thuộc danh mục hàng hóa phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập theo Quyết định số 23/2019/QĐ-TTg gồm thuốc lá, rượu... Đây là các chủng loại hàng hóa phức tạp, đòi hỏi đơn vị phải tăng cường, nỗ lực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là công tác quản lý địa bàn.
Đồng Nai đang tập trung khai thác những tiềm năng kinh tế từ hệ thống cảng biển. Trong đó, Cảng Phước An là một trong những cảng biển lớn vừa được hình thành, dự kiến đi vào hoạt động trong thời gian tới, có khả năng thực hiện nhập khẩu đa dạng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thuộc danh mục phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập. Do đó, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, ngành hải quan đang thúc đẩy phát triển hải quan cửa khẩu tại Đồng Nai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước về lĩnh vực cảng biển.