Động lực từ cải cách hành chính và đội ngũ kiến tạo
HNN.VN - Bốn năm liên tiếp, thành phố Huế nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất cả nước. Đây là thành tích ấn tượng của Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng mạnh mẽ giữa các địa phương. Kết quả này không chỉ phản ánh môi trường đầu tư – kinh doanh ổn định, mà còn cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy điều hành và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức – lực lượng tiên phong kiến tạo một chính quyền phục vụ.

Thành phố Huế xếp vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI năm 2024 (Ảnh: VCCI)
PCI- “tấm gương” phản chiếu chất lượng điều hành
Từ vị trí thứ 17 năm 2020, những năm gần đây, Huế đã bứt phá để lần lượt xếp vị trí thứ 8 (2021), thứ 6 (2022), thứ 8 (2023) và trở lại vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng PCI trong năm 2024. Đây không phải là kết quả tình cờ, mà là thành quả của một quá trình chuyển mình có chiến lược, với nhiều trụ cột cải cách đồng bộ: Từ tinh giản thủ tục hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, đến thúc đẩy minh bạch, giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, việc phát triển ứng dụng chính quyền điện tử – đô thị thông minh qua nền tảng Hue-S đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân – DN, tạo dựng một không gian hành chính thân thiện, hiệu quả và kịp thời.
Đặc biệt, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng chính quyền điện tử – đô thị thông minh và điển hình là nền tảng Hue-S để tương tác giữa người dân và chính quyền đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân – DN, hình thành không gian hành chính thân thiện, hiệu quả và kịp thời trên nền tảng số.

Biểu đồ 10 chỉ số thành phần PCI của thành phố Huế gian đoạn 2020-2024 (nguồn pcivietnam.vn)
Đội ngũ cán bộ – “bánh đà” cho cải cách
Một điểm nhấn quan trọng trong thành công của cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của TP. Huế chính là sự thay đổi tư duy và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Chuyển đổi từ tư tưởng “quản lý – xin cho”, nhiều sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã hình thành đội ngũ “hành chính phục vụ”, gần dân, hiểu thị trường, nắm rõ công việc, sáng tạo và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, tại nhiều sở, ngành và chính quyền cấp huyện đã xuất hiện các cán bộ chủ động tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, lắng nghe phản ánh từ DN và coi sự hài lòng của người dân là thước đo năng lực công vụ. Một bộ phận cán bộ trẻ, có tư duy công nghệ, có trách nhiệm và liêm chính đang dần định hình hình ảnh mới cho nền hành chính của thành phố. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong điều hành lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển DN và môi trường đầu tư tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Huế thời gian qua.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận. Một số bộ phận cán bộ còn thụ động, thiếu kỹ năng phối hợp liên ngành và chưa thực sự đặt mình vào vị trí “đồng hành cùng DN”. Tình trạng né tránh trách nhiệm, ngại đổi mới hoặc “chờ chỉ đạo” vẫn là rào cản trong một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường đầu tư chiến lược. Điều này cũng đã thể hiện trong biểu đồ phân tích các chỉ số thành phần của Huế về tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính minh bạch…

Đầu tư cho hạ tầng cảng biển sẽ tạo đà thu hút đầu tư (Ảnh: Đình Hoàng)
Thời điểm để bứt phá
Huế đang đứng trước cơ hội phát triển khi đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Với bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp tại địa phương đòi hỏi mô hình chính quyền tinh gọn, cán bộ đa năng, có năng lực quản lý kinh tế, biết vận hành thị trường, thấu hiểu nhà đầu tư và cư xử chuyên nghiệp trong mọi tương tác công vụ.
Vì vậy, thành phố cần tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực và đạo đức công vụ, đặc biệt trong khối hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên. Công khai hóa quy trình xử lý hồ sơ và áp dụng tối đa chuyển đổi số, nâng cao năng lực cán bộ tiếp dân, cán bộ làm việc với DN, “chống trì trệ từ bên trong” sẽ là chìa khóa để giữ vững niềm tin của cộng đồng DN. Đồng thời, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cần được đặt đúng trọng tâm: Tuyển chọn người giỏi, xây dựng cơ chế giữ chân người tài và quan trọng nhất – tạo ra môi trường công vụ đề cao cống hiến và liêm chính.
Huế đã giữ vững Top 10 PCI trong năm 2024 là kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới. Việc duy trì phát triển, tạo bước nhảy vọt trong môi trường đầu tư – kinh doanh, để Huế không chỉ là điểm đến văn hóa, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ và du lịch cao cấp của miền Trung. Muốn vậy, ngoài quy hoạch tốt và hạ tầng hiện đại, yếu tố then chốt vẫn là một đội ngũ cán bộ “có tâm, có tầm” – hành động vì sự phát triển của thành phố. Đó chính là “sức cạnh tranh bền vững” nhất của Huế trong chặng đường phía trước.