Động lực tăng trưởng 'vào guồng': Chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng hai con số

Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ lực khi tăng trên 10% trong 5 tháng năm 2025, trở thành động lực then chốt thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

Sự trở lại ấn tượng của công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 9,4% so với cùng kỳ, đưa mức tăng chung 5 tháng lên 8,8%. Ngành chế biến, chế tạo tăng 9,3%, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và tạo việc làm cho nền kinh tế. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2025 đã tăng lên mức 49,8 điểm so với 45,6 điểm của tháng 4, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất đã gần như ổn định trở lại.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: TT

Báo cáo Bộ Công Thương cũng chỉ ra, tính chung 5 tháng năm 2025, IIP ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8% (cùng kỳ năm 2024 tăng 7,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 12,9%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,0% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,9%)…

Đáng chú ý, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm tháng đầu năm 2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phú Thọ tăng 46,7%; Nam Định tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 28,1%; Bắc Kạn tăng 23,6%; Hà Nam tăng 22,5%; Quảng Ngãi tăng 22,2%.

Đơn cử địa phương như Phú Thọ, báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành "đầu tàu" với mức tăng ấn tượng 46,7%, vượt xa nhiều địa phương khác trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn nhận về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Thống kê nhận định, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

“Trong lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp cao nhất trong GDP về giá trị gia tăng, tạo tiền đề và nền tảng cho quá trình phát triển công nghiệp, hiện đại hóa đất nước”.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, đáng chú ý chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2025 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất xe có động cơ tăng 34,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16,1%; sản xuất trang phục tăng 15,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,8%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 70,3%; tivi tăng 25,6%; khí hóa lỏng LPG tăng 21,7%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,8%; quần áo mặc thường tăng 14,6%; thép cán tăng 13,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,4%; xi măng tăng 12,9%; thép thanh, thép góc tăng 11,7%; giày, dép da tăng 11,5%; đường kính tăng 10,9%.

“Giữ nhịp” tăng trưởng tạo đà bứt phá

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) để “giữ nhịp” tăng trưởng công nghiệp trong quý II và các quý tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp.

“Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước”- đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu.

Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, theo Bộ Công Thương cần tập trung triển khai hiệu quả Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành các công trình nguồn và lưới điện quan trọng trong năm 2025 để huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường dây 220kV Đô Lương -Nam Cấm; Nâng công suất các TBA 500kV Lai Châu, TBA 500kV Di Linh, TBA 500kV Thạnh Mỹ, Kon Tum, TBA 500kV Pleiku 2; Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I (2x600MW); Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (2x240 MW).

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khẩn trương triển khai Luật Hóa chất, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả vừa mới được Quốc hội thông qua; Đẩy nhanh xây dựng dự thảo Luật phát triển công nghiệp nền tảng, Luật Thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới;

Tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi), nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia nhằm sớm đưa những nguồn lực này vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-luc-tang-truong-vao-guong-che-bien-che-tao-ghi-nhan-muc-tang-hai-con-so-406636.html