Động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là tiền đề, tạo bước đột phá quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Mai Sơn có 22 xã, thị trấn; trong đó có 10 xã khu vực III, 1 xã thuộc khu vực II, 10 xã thuộc khu vực I, với 123 bản đặc biệt khó khăn. Để các chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tích cực tham mưu thực hiện các chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chủ động giải quyết những vấn đề mới phát sinh, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Sơn, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, huyện được đầu tư trên 18 tỷ đồng từ Chương trình 135 để hỗ trợ xây dựng mới 16 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nhà văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt; sửa chữa 15 công trình giao thông và nước sinh hoạt. Toàn huyện có 356 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc, từng bước nâng độ che phủ của rừng và chống xói mòn. Trong hai năm 2020 và 2021, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ trên 6,6 tỷ đồng cho 14 HTX và các hộ dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi bò sinh sản. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chiết, ghép giống cây ăn quả chất lượng cao vào cải tạo chất lượng giống cây trồng.
Tại xã Phiêng Cằm với 99,7% là đồng bào dân tộc thiểu số ở 23 bản. Những năm gần đây, từ các nguồn vốn hỗ trợ, xã đã được đầu tư mở đường vào khu sản xuất tại các bản: Thẳm Hưn, Hua Nà, Lọng Hỏm, Phiêng Phụ B; xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa bản Huổi Nhả; nâng cấp công trình nước sạch tại bản Co Muông, Pú Tậu; hỗ trợ nuôi bò, trồng cây ăn quả... Ông Sồng A Châu, Chủ tịch UBND xã thông tin: Từ nguồn hỗ trợ, bộ mặt nông thôn của xã đã thay đổi, nhiều hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao; đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Toàn xã hiện có 130 ha cây ăn quả, 237 ha cây công nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình từ 4-5%/năm.
Gia đình anh Sùng A Lộng, bản Noong Tầu Mông, xã Phiêng Cằm, được hỗ trợ cây giống đã chuyển đổi 5.000 m² đất trồng ngô sang trồng cam, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Anh Lộng chia sẻ: Tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả ở các xã Chiềng Ban, Hát Lót và được cán bộ khuyến nông đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên toàn bộ diện tích cây ăn quả của tôi phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định.
Với những nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao; bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục có nhiều đổi mới. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 74% đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế; 98,7% số hộ dân được sử dụng điện lưới, 97% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 94,1% số bản có nhà văn hóa; toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông mới nâng cao; 66,8% cán bộ công chức cấp xã là dân tộc thiểu số có trình độ đại học, cao đẳng; 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,5% (năm 2016) xuống còn 10,5% (năm 2021), bình quân giảm 2,3%/năm.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Mai Sơn tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, xóa đói giảm nghèo bền vững; tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.