Động lực cho đổi mới và phát triển

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng số, lần đầu tiên Nghị quyết số 57-NQ/TW, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đặt lên vị trí đột phá quan trọng hàng đầu với những mục tiêu cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: 'Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

TẠO ĐÀ TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Từ nhiều năm trước, Bình Phước đã ghi dấu bước tiến trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, hạ tầng số của tỉnh đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện quan trọng để xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Các nền tảng dùng chung của tỉnh đảm bảo liên thông ngang, dọc giữa các cấp, ngành để chia sẻ dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

Các chuyên gia, nhà khoa học gợi mở, đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển ngành điều Bình Phước

Các chuyên gia, nhà khoa học gợi mở, đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển ngành điều Bình Phước

Bình Phước đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và trung tâm dữ liệu, đáp ứng yêu cầu kết nối, sử dụng, chia sẻ dữ liệu của chính quyền và người dân, đưa chính quyền số vận hành hoàn toàn dựa trên dữ liệu và công nghệ. Mạng lưới cáp quang băng rộng, phủ sóng mạng di động đến 100% địa bàn, mạng 5G được phát triển tại nhiều khu vực trung tâm đã tạo nên không gian số kết nối liền mạch, không giới hạn.

Bình Phước đã đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu, đáp ứng yêu cầu kết nối, sử dụng, chia sẻ dữ liệu của chính quyền và người dân

Bình Phước đã đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu, đáp ứng yêu cầu kết nối, sử dụng, chia sẻ dữ liệu của chính quyền và người dân

Từ năm 2020 đến nay, Bình Phước triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 10 trung tâm IOC cấp huyện, đã hỗ trợ giám sát, ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, góp phần minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp huyện, cấp xã đã hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh đã cấp 9.425 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; trên 80% cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ trong xử lý công việc; tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản và sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Đồng thời cấp 4.931 chứng thư số của cá nhân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; cấp 250.000 chữ ký số cho công dân (tương đương 30% công dân trưởng thành có chữ ký số); tỷ lệ ký số tại các cơ quan cấp tỉnh, huyện đạt 100%.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Từ một tỉnh rất hạn chế nền tảng ban đầu về hạ tầng công nghệ, Bình Phước đã “đi tắt, đón đầu”, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ nội và ngoại lực, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông. Đặc biệt, hằng năm tỉnh đều dành nguồn ngân sách đáng kể đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ theo từng lộ trình, giai đoạn, thí điểm ở phạm vi hẹp trước khi nhân rộng đại trà.

Từ năm 2020 đến nay, Bình Phước đã triển khai 76 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được chú trọng. 100% cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Các ứng dụng internet vạn vật - IoT, dữ liệu lớn - big data và chuỗi khối - blockchain đã được áp dụng thành công trong quản lý sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến điều, tiêu, cao su…

NHẬN DIỆN THÁCH THỨC - ĐÓN CƠ HỘI

Ngay sau khi Nghị quyết số 57 ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Phước, đồng thời ban hành Chương trình hành động số 74-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 57; Kế hoạch số 163/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Các chuyên gia, nhà khoa học gợi mở, đề xuất những giải pháp pháttriển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển ngành điều Bình Phước

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Phước với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đề xuất góp ý liên quan đến kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó gợi mở, đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ số quản lý và phát triển ngành điều; giải pháp cho lộ trình đột phá tăng trưởng 2 con số và kinh tế số chiếm 30% GRDP (2025-2030); hạ tầng số - nền móng của chuyển đổi số…

Đề xuất giải pháp để phát triển kinh tế số, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 cả nước là 13,17%, Bình Phước là 10%. Vì vậy, Bình Phước phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt khai thác tiềm năng về nông nghiệp số, phát triển công nghiệp gắn với sản xuất thông minh, phát triển du lịch thông minh và tận dụng thương mại điện tử… Tỉnh cần tận dụng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, nghĩa là hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu, mô hình và ứng dụng công nghệ có sẵn vào sản xuất, kinh doanh, giúp tiết kiệm chi phí.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết: Tháng 5-2025, UBND tỉnh đã ký quyết định về chuyển đổi số ngành điều giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu chuyển đổi số ngành điều trên 4 lĩnh vực gồm: chuyển đổi số trong sản xuất; chuyển đổi số trong chế biến, sản xuất sản phẩm hạt điều; chuyển đổi số trong kinh doanh, thương mại ngành điều và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước. Với các mục tiêu cụ thể, lộ trình rất rõ ràng, ngân sách dự kiến cho chuyển đổi số ngành điều Bình Phước là 70 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 12,8 tỷ đồng (18,2%), vốn doanh nghiệp 45 tỷ đồng (64,3%) và vốn khác 12,2 tỷ đồng (17,4%)… Lãnh đạo Bình Phước cùng với Tập đoàn VNPT đã bàn giải pháp xa hơn là xây dựng sàn giao dịch điều quốc tế của Bình Phước. Đây là dự định rất lớn, kỳ vọng phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Với quyết tâm vượt mọi khó khăn, thực hiện thành công Nghị quyết số 57 với những mục tiêu cụ thể, Bình Phước định hướng đến năm 2030 nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, đưa chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) thuộc nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt từ 45% trở lên. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP...

Ông Dương Trọng Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nông nghiệp số VNPT - Công ty VNPT-IT gợi mở, để đạt lộ trình đột phá tăng trưởng 2 con số và kinh tế số chiếm 30% GRDP (2025-2030), Bình Phước cần tận dụng tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp đột phá; tận dụng cơ hội từ chính sách quốc gia và xu hướng thị trường; số hóa nông nghiệp theo chuỗi giá trị; cơ chế phối hợp đa ngành để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra. Trong đó, chú trọng nguồn kinh phí chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên địa bàn một cách bền vững.

Trên nền tảng những thành quả chuyển đổi số đạt được trong những năm qua, việc triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị sẽ tạo tiền đề quan trọng để Bình Phước quyết tâm đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện diện trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn phát triển mới, vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/173002/dong-luc-cho-doi-moi-va-phat-trien