Đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của Quốc hội
Chiều 16/7, tại Nhà Quốc hội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030 đã chính thức khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Đại hội.

Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quyết định, chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội, nhiệm kỳ 2025-2030. (Ảnh: DUY LINH)
Tham dự Đại hội có các đồng chí nguyên Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Đảng ủy Văn phòng Quốc hội các thời kỳ; đại diện các cơ quan của Đảng ủy Quốc hội và 107 đại biểu chính thức, đại diện tiêu biểu cho 685 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự khai mạc Đại hội. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu khai mạc Đại hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo”, Đại hội Đảng bộ Văn phòng Quốc hội sẽ thể hiện tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030, góp phần vào sự phát triển chung của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Kế hoạch số 14-KH/ĐUQH của Đảng ủy Quốc hội về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội 2 Đảng bộ cơ sở và 8 Chi bộ trực thuộc.
Các đại hội đã diễn ra đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới phát triển, đúng theo quy định; dành nhiều thời gian cho thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ Nhất.
Các văn kiện trình Đại hội đã được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng; có sự tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ đại hội các Đảng bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc. Công tác nhân sự được chuẩn bị nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quan điểm, quy định, quy trình của cấp trên; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, dân chủ, khách quan, minh bạch; bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu khai mạc Đại hội. (Ảnh: DUY LINH)
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Đại hội tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trên cơ sở đó, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đại hội được tiến hành trong không khí hào hùng, phấn khởi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất - nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 21 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Quốc hội gồm 9 đồng chí. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng giữ chức Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần và Bí thư Chi bộ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Đảng ủy Văn phòng Quốc hội Hoàng Xuân Hòa giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
Tại Đại hội, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đã công bố các quyết định của Ban Thường vụ Quốc hội chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đảm nhiệm các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng Quốc hội nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 21 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Quốc hội gồm 9 đồng chí. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng giữ chức Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần và Bí thư Chi bộ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Đảng ủy Văn phòng Quốc hội Hoàng Xuân Hòa giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Văn phòng Quốc hội.

Các đảng viên Đảng bộ Văn phòng Quốc hội dự Đại hội. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo Đại hội nêu rõ: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đều đánh giá cao những tham mưu, cải tiến của Văn phòng Quốc hội về xây dựng và điều chỉnh chương trình công tác, chương trình Kỳ họp, vừa bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, vừa kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng.
Kỳ họp thứ 9 vừa qua được tổ chức sớm hơn thường lệ đã đóng góp thiết thực cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và được 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua, được nhân dân đồng thuận rất cao.
Đề cập Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật đã được ban hành tại 17 kỳ họp trước đó của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: sự tham mưu hiệu quả đó cũng thể hiện qua những con số cụ thể về hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đến nay đã tiến hành 18 kỳ họp, thông qua 99 luật, 226 nghị quyết.
Trong đó, các nghị quyết chung của Kỳ họp do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo thường được Quốc hội thông qua với tỷ lệ rất cao, nhiều lần đạt 100% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, có những nội dung có ý nghĩa lịch sử.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu xây dựng Đảng bộ Văn phòng Quốc hội thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động trên các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới trong bối cảnh Đảng bộ Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã được tổ chức lại.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ : Đây là sự thay đổi rất lớn, đòi hỏi Văn phòng Quốc hội phải tiếp tục đổi mới mãnh mẽ, với tư duy mới, chuyên sâu hơn, hiệu quả hơn, phối hợp tốt hơn cả trong và ngoài Văn phòng Quốc hội, từ đó đòi hỏi tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên của Đảng bộ, từng đơn vị trong Văn phòng Quốc hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025-2030.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ Văn phòng Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo tư duy chiến lược; áp dụng mô hình làm việc khoa học trong tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối và xây dựng tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch.

Quang cảnh Đại hội. (Ảnh: DUY LINH)
Nội dung quan trọng là không ngừng đổi mới lề lối làm việc của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy của các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội để bảo đảm dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm sâu sát, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Văn phòng Quốc hội phối hợp tốt, hiệu quả với các cơ quan có liên quan trong và ngoài Quốc hội tham mưu và tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, cần triển khai thực hiện tốt nhất Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193 của Quốc hội về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 1343 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024-2026, định hướng đến năm 2030 và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa được thông qua...