Đồng franc Thụy Sỹ tăng chóng mặt, lãi suất âm có trở lại?
Tỷ giá đồng franc Thụy Sỹ gần đây đã tăng lên mức cao nhất 1 thập kỷ so với đồng USD do nhà đầu tư mua mạnh đồng franc để tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu tăng cao...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Việc đồng franc bùng nổ đang làm dấy lên đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) sẽ phải hạ lãi suất về 0 hoặc thậm chí dưới 0 để hạn chế đà tăng của đồng nội tệ, theo tờ báo Financial Times.
Tuần vừa rồi, franc Thụy Sỹ - vốn là một “hầm trú ẩn” truyền thống trên thị trường tài chính nhờ sự ổn định chính trị và kinh tế của đất nước nằm ở dãy núi Alps - gần đạt mức tỷ giá kỷ lục so với đồng USD. Đồng tiền này tăng giá tới 0,8 franc đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ cú sốc tăng giá hồi năm 2015.
THẾ KHÓ CỦA SNB
Tỷ giá đồng nội tệ leo thang đã đặt các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Thụy Sỹ vào thế khó. Họ vừa phải tìm cách kiềm chế sự tăng giá của franc để hỗ trợ nền kinh tế vốn có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, vừa phải tránh gây ra phản ứng dữ dội từ phía Hoa Kỳ - nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump đã áp mức thuế quan đối ứng 31% lên hàng hóa từ Thụy Sỹ.
Ông Kit Juckes, chiến lược gia trưởng về ngoại hối tại ngân hàng Societe Generale, cho rằng những “dòng chảy ngược” đó đã đặt SNB vào một vị thế “vô cùng khó khăn”. Ông nói thêm: “Chính phủ Thụy Sĩ không muốn áp lực giảm lạm phát quay trở lại, vì thế họ đang cảm thấy lo ngại”.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Thụy Sỹ kỳ hạn ngắn đã giảm xuống mức âm trong những ngày gần đây khi các nhà giao dịch đặt cược rằng SNB sẽ phản ứng với xu hướng tăng mạnh của đồng franc bằng cách cắt giảm lãi suất. Lợi suất trái phiếu Thụy Sĩ kỳ hạn 2 năm, được coi là một thước đo phản ánh kỳ vọng về lãi suất - đã rơi vào trạng thái âm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi.
Các nhà phân tích cho rằng đà tăng giá nhanh chóng của đồng franc có nguy cơ gây ra một cú sốc giảm phát ở Thụy Sĩ, làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của thuế quan đối với nền kinh tế nước này. Hơn 10% kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sỹ đến từ thị trường Mỹ.
Sau khi ông Trump công bố thuế đối ứng vào hôm 2/4, Chính phủ Thụy Sỹ đã có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Mỹ giảm thuế quan. Tuần vừa rồi, Tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent ở Washington.
Vốn là một quốc gia thường xuyên phải tìm cách hạn chế đồng nội tệ tăng giá, Thụy Sỹ không lạ gì với những pha biến động tỷ giá chóng mặt. Hồi tháng 1/2015, SNB bất ngờ dỡ bỏ chính sách trần tỷ giá đồng franc so với đồng euro, khiến đồng franc tăng giá dữ dội.
Các nhà phân tích cho rằng Thụy Sỹ lo ngại bị Hoa Kỳ gắn mác là quốc gia thao túng tiền tệ một lần nữa nếu họ can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối để kiềm chế sự tăng giá của đồng franc.
Thụy Sĩ đã bị Mỹ đưa vào danh sách những nước “thao túng tiền tệ” vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, một phần là do sự can thiệp của Bern nhằm giảm bớt tình trạng biến động trên thị trường tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra. Sau đó, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Thụy Sỹ được đưa ra khỏi danh sách này.
Không chỉ tăng giá so với đồng USD, đồng franc cũng tăng giá so với đồng euro, khiến Thụy Sỹ gặp nhiều khó khăn trong thương mại với khối eurozone - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
SNB đã hành động nhanh hơn các ngân hàng trung ương khác trong việc cắt giảm lãi suất chủ chốt, đưa lãi suất xuống mức 0,25%, và việc cắt giảm thêm lãi suất được coi là một lựa chọn an toàn hơn về mặt ngoại giao để kiềm chế đà tăng của đồng franc.
Thụy Sỹ đã giữ lãi suất ở mức dưới 0 trong 9 năm - một phần để ngăn đồng franc tăng quá cao - trước khi tăng lãi suất lên trạng thái dương vào năm 2022 để chống lại sự bùng nổ của lạm phát sau đại dịch.
GIẢM LÃI SUẤT HAY CAN THIỆP NGOẠI HỐI?
“Nếu SNB không hài lòng với việc đồng franc tăng giá mạnh và cảm thấy phải hạn chế can thiệp vào thị trường ngoại hối, thì cắt giảm lãi suất về mức hơn là lựa chọn duy nhất”, ông Francesco Pesole - một chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng ING - nhận định.
Nhà kinh tế trưởng Stefan Gerlach tại ngân hàng EFG cho rằng lãi suất âm là điều “có thể xảy ra”, đồng thời nói thêm rằng can thiệp vào thị trường ngoại hối cũng có thể là một việc làm cần thiết. Ông Gerlach cho rằng khả năng Thụy Sĩ bị dán nhãn thao túng tiền tệ một lần nữa là thấp Ông cho rằng những người am hiểu vấn đề tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảm thấy việc Thụy Sỹ hành động như vậy không phải là một vấn đề lớn.
“Làm như vậy có thể là vấn đề nếu Thụy Sỹ đẩy tỷ giá hối đoái xuống để giành lợi thế cạnh tranh. Nhưng sẽ không phải là vấn đề nếu đồng tiền của một nước tăng vọt và họ cố gắng kiềm chế sự tăng giá đó”, vị chuyên gia nói.

Tỷ giá đồng franc Thụy Sỹ so với USD trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/franc - Nguồn: FT.
Thị trường hoán đổi lãi suất cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 80% SNB sẽ giảm lãi suất xuống mức 0 tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6, và một khả năng nhỏ là lãi suất có thể chuyển sang mức âm vào cuối năm.
Tốc độ lạm phát hàng năm ở Thụy Sỹ đang ở mức khoảng 0,3%, thuộc vùng cận dưới trong phạm vi mục tiêu lạm phát của SNB là 0-2%.
Ông Gregor Kapferer, trưởng bộ phận trái phiếu Thụy Sĩ tại Vontobel, cho rằng SNB “chắc chắn đang lo lắng”, nhưng can thiệp nhiều hơn sẽ là “biện pháp cuối cùng” để ngăn sự tăng giá của franc. “Dưới thời chính quyền Trump trước đây, Thụy Sỹ bị Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ nhưng thực sự không có hậu quả nào. Lần này, ông Trump đã hành động bằng thuế quan nên tôi nghĩ SNB sẽ thận trọng hơn nhiều”, ông Kapferer nói.
Nhưng ông Athanasios Vamvakidis, Giám đốc toàn cầu về chiến lược tiền tệ G10 của ngân hàng Bank of America, cho rằng SNB vẫn sẽ có một số biện pháp can thiệp nhất định. “Thật khó để tưởng tượng rằng chính quyền Hoa Kỳ sẽ phàn nàn về một số biện pháp can thiệp” nếu xét tới sự tăng giá chóng mặt của đồng franc - ông Vamvakidis nhận xét, đồng thời nói thêm rằng cách tiếp cận này có vẻ khả thi hơn việc giảm lãi suất về âm.
“Có lẽ đồng franc cần một thế giới bình lặng hơn thế này. Lịch sử cho thấy là theo thời gian, đồng franc sẽ ngày càng mạnh hơn”, chiến lược gia Juckes của ngân hàng Societe Generale nhận định.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-franc-thuy-sy-tang-chong-mat-lai-suat-am-co-tro-lai.htm