Dòng chảy bền vững hỗ trợ cho nền kinh tế
Những biến cố lớn của ngành bảo hiểm trong năm qua đã tạo không ít rào cản trong việc hiện thực hóa mục tiêu gắn kết ngành bảo hiểm với tăng trưởng GDP. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia (Vinare, mã VNR) chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Tính đến 30/11/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ năm trước. Đây chắc hẳn là con số lạc quan khi mà ngành bảo hiểm có năm bồi thường kỷ lục?
Con số đầu tư trở lại 838.319 tỷ đồng không chỉ thể hiện năng lực tài chính mạnh mẽ, mà còn khẳng định cam kết của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Khi chưa chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã tận dụng nguồn vốn hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để đầu tư, đạt được kết quả tích cực nhờ sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, dòng vốn FDI và sự ổn định của thị trường chứng khoán. Nhờ đó, lợi nhuận tích lũy từ hoạt động đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ, giúp dòng vốn quay lại nền kinh tế không chỉ ổn định mà còn có xu hướng gia tăng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động nâng cao năng lực vốn, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) theo quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng cũng góp phần tạo nguồn lực để các doanh nghiệp không ngừng mở rộng đầu tư.
Những con số trên không chỉ minh chứng cho sự vững vàng của ngành bảo hiểm mà còn cho thấy vai trò tích cực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế, vừa bảo vệ lợi ích khách hàng, vừa tạo đà cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, “tổng số vốn mà các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế” là một khái niệm khá chung chung đối với người ngoài ngành. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các lĩnh vực mà dòng vốn từ DNBH rót vào?
Theo khoản 1, Điều 99, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các nguồn đầu tư của DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bao gồm vốn chủ sở hữu, phần vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ theo quy định của Chính phủ, các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, DNBH được phép đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không hạn chế; gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ; góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đối với DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.
Điều 99, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng quy định rất rõ ràng các hoạt động đầu tư mà DNBH không được phép thực hiện như kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ…
Những quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động đầu tư của DNBH, đảm bảo khả năng chi trả của DNBH với khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, đặc biệt là đảm bảo nguồn vốn phải được đầu tư trở lại nền kinh tế Việt Nam.
Tổng số vốn mà các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 838.319 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm không chỉ là con số tài chính đơn thuần mà còn là minh chứng cho sự gắn bó mật thiết giữa ngành bảo hiểm và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thứ nhất, nguồn vốn này đã được đầu tư vào các kênh quan trọng như trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và các công cụ tài chính, là kênh dẫn vốn cho các dự án kinh tế trọng điểm. Điều này không chỉ góp phần ổn định thị trường tài chính mà còn cung cấp nguồn lực cần thiết để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng và phát triển công nghệ.
Thứ hai, với việc tài trợ vốn cho các tổ chức kinh tế, DNBH gián tiếp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Ví dụ, vốn đầu tư từ bảo hiểm giúp các doanh nghiệp sản xuất có nguồn lực mở rộng hoạt động, từ đó tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Thứ ba, người dân cũng hưởng lợi từ các khoản đầu tư này thông qua việc ổn định thị trường tài chính, giúp lãi suất tiết kiệm, tín dụng duy trì ở mức hợp lý.
Như vậy, số vốn đầu tư trở lại nền kinh tế không chỉ là con số thể hiện quy mô ngành bảo hiểm, mà còn là dòng chảy bền vững hỗ trợ cho nền kinh tế, tổ chức và người dân phát triển toàn diện hơn. Nguồn vốn từ bảo hiểm lâu nay là nguồn vốn trung và dài hạn hữu ích để đầu tư và tái thiết nền kinh tế nước nhà.
Định hướng của Chính phủ là gắn kết ngành bảo hiểm với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những biến cố của thị trường bảo hiểm trong vài năm qua đã gây cản trở sự đóng góp trên. Các DNBH đang vượt qua các khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành định hướng gắn kết sự phát triển của ngành bảo hiểm với tăng trưởng GDP. Điều này khẳng định vai trò thiết yếu của bảo hiểm trong nền kinh tế. Đây không chỉ là động lực để ngành bảo hiểm tiếp tục phát triển, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, những biến cố lớn của thị trường bảo hiểm trong những năm vừa qua, như tranh chấp giữa khách hàng và công ty bảo hiểm liên quan đến chất lượng dịch vụ, bồi thường, hay kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã làm suy giảm niềm tin của công chúng với ngành bảo hiểm, tạo ra không ít rào cản trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.
Trước những thách thức trên, các DNBH đã nỗ lực vượt qua bằng nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện. Một trong những bước đi quan trọng là củng cố nền tảng tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động có các giải pháp, lộ trình tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về RBC theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Điều này không chỉ nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động kinh tế, mà còn giúp các doanh nghiệp tạo dựng sự ổn định dài hạn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.
Song song đó, các DNBH đang tăng cường đổi mới quy trình quản trị, đặc biệt trong khâu khai thác bảo hiểm, định phí và xử lý bồi thường. Những cải tiến này không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động mà còn đảm bảo tính minh bạch và công bằng, qua đó củng cố niềm tin của khách hàng. Đáng chú ý, nhiều DNBH đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu của khách hàng và tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm.
Mặt khác, nhận thức rõ rằng khôi phục niềm tin thị trường là “điểm lõi”, các DNBH đã và đang triển khai nhiều chiến lược truyền thông mang tính thực chất hơn, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và ý nghĩa của bảo hiểm. Đồng thời, chất lượng dịch vụ được đặc biệt chú trọng, với cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng.
Những giải pháp này không chỉ giúp ngành bảo hiểm vượt qua thách thức hiện tại, mà còn tiếp tục khẳng định vai trò là “tấm lá chắn” tài chính quan trọng, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng trên thị trường tài chính, trong đó có thị trường bảo hiểm. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của các DNBH trong việc xây dựng lòng tin với khách hàng?
Bảo hiểm là ngành nghề có tính đặc thù cao, thuộc lĩnh vực tài chính, do vậy chịu tác động không nhỏ từ các biến động từ các ngành nghề khác như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Lòng tin là yếu tố vô cùng quan trọng đối với ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, vì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có thời hạn dài. Ký kết một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nghĩa là doanh nghiệp và khách hàng đã đồng thuận với sự gắn bó dài lâu.
Ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, có một số yếu tố rất dễ khiến người dân mất lòng tin nếu không hiểu đúng, hiểu đủ về bảo hiểm nhân thọ.
Thứ nhất phải kể tới việc cam kết trả bảo tức. Với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống, mức bảo tức cam kết không thấp hơn 2%/năm là vấn đề khiến dư luận còn băn khoăn khi chọn giữa việc mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm ngân hàng. Còn với các sản phẩm bảo hiểm đầu tư, mức bảo tức cam kết tuy cao hơn 2%/năm (tùy từng hợp đồng bảo hiểm), nhưng lại phụ thuộc vào kết quả đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, nếu doanh nghiệp đầu tư có kết quả tốt, thì chủ hợp đồng bảo hiểm cũng được chia bảo tức cao hơn và ngược lại.
Thứ hai là về vấn đề chi trả quyền lợi bảo hiểm. Thực tế, giá trị hoàn lại các năm đầu của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chưa cao và sẽ tăng dần sau mỗi năm. Do vậy, khi khách hàng khó khăn về tài chính, ảnh hưởng tới thời gian đóng phí, thậm chí không còn khả năng đóng phí, hợp đồng buộc phải dừng giữa chừng, số tiền khách hàng nhận lại ít hơn so với tổng số phí đã đóng, điều này khiến nhiều khách hàng thất vọng. Đặc biệt, có một số trường hợp hiểu lầm, tranh chấp giữa doanh nghiệp và khách hàng liên quan đến việc chi trả quyền lợi bảo hiểm cũng khiến cho hình ảnh của ngành bảo hiểm bị ảnh hưởng trong mắt của người dân.
Vấn đề thứ ba là việc tư vấn viên, đại lý bảo hiểm giải thích chưa rõ ràng, hoặc không giải thích cặn kẽ, khiến khách hàng hiểu lầm. Ví dụ, quy tắc trung thực tuyệt đối trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay bảo tức giả định được chạy trên bảng minh họa giá trị bảo hiểm cũng khiến không ít khách hàng hiểu lầm, bị hấp dẫn bởi những cam kết giả định, đến khi thực tế khách hàng không nhận được các quyền lợi như trong bảng minh họa sẽ càng cảm thấy thất vọng.
Vậy, các DNBH cần làm gì để vượt qua những thách thức này trong thời gian tới?
Để vun đắp thêm niềm tin của người dân đối với ngành bảo hiểm, ngoài việc phải tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của bảo hiểm đối với đời sống, an sinh xã hội, DNBH cần nâng cao chất lượng tư vấn để khách hàng hiểu rõ hơn về các điều khoản được quy định tại hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt lưu ý tới khách hàng những điểm loại trừ; các trường hợp bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm nếu khách hàng cố tình hoặc vô tình có hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm (như khai báo sai về tình trạng sức khỏe của bản thân); các lưu ý về tài chính khách hàng cần có để chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng bảo hiểm (đối với bảo hiểm nhân thọ); giải thích rõ ràng bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm tránh để khách hàng hiểu lầm…
Ngoài ra, DNBH cũng cần tăng cường chất lượng đào tạo đại lý, tư vấn viên bảo hiểm; có các chính sách để phát triển, khích lệ đội ngũ đại lý, tư vấn viên chất lượng cao để nghề tư vấn bảo hiểm không còn chỉ là nghề “part time”, mà trở thành một nghề chuyên nghiệp như ở nhiều nước trên thế giới.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-chay-ben-vung-ho-tro-cho-nen-kinh-te-post360002.html