Dồn sức cho mục tiêu hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Ninh Bình sắp cán đích chặng đường đầu tiên khi 100% số xã đã đạt chuẩn, có 8/8 huyện, thành phố lần lượt về đích và tỉnh đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh về một số nội dung của chương trình.
Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật nhất trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh gần 15 năm qua?
Đồng chí (Đ/c) Nguyễn Thị Lan Anh: Có thể nói, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, bên cạnh những thuận lợi do tỉnh có quy mô diện tích, dân số nhỏ, dân cư sinh sống khá tập trung thì chúng ta cũng gặp phải không ít những khó khăn khi xuất phát điểm tương đối thấp, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn cao (12%). Việc tăng trưởng kinh tế nóng, quá trình đô thị hóa phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị văn hóa truyền thống, các hệ lụy về vấn đề môi trường và an ninh trật tự nông thôn.
Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân và ngay cả một số cán bộ cơ sở vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, then chốt, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt có trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tỉnh Ninh Bình luôn ở trong top đầu cả nước về xây dựng NTM với rất nhiều dấu ấn. Mặc dù không nằm trong danh sách các tỉnh đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nhưng chúng ta làm đến đâu chắc đến đó, thực chất, không chạy theo thành tích. Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Các tiêu chí NTM lần lượt được củng cố, hoàn thiện và nâng chất. Xem phát triển sản xuất là gốc để “nâng chất” NTM, tỉnh đã thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đến nay, toàn tỉnh có 187 sản phẩm OCOP gồm 69 sản phẩm 4 sao và 118 sản phẩm 3 sao (tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh cao hơn trung bình chung của cả nước). Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình, mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề phát triển mạnh mẽ gắn với các điểm, trung tâm du lịch lớn của tỉnh... góp phần nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững.
Đặc biệt, từ năm 2020 trở lại đây, chương trình xây dựng NTM ở các địa phương đã có chuyển biến mạnh về chất, NTM đã thực sự là của người nông dân, xuất phát từ lợi ích chính đáng, nhu cầu tự thân của mỗi cư dân nông thôn. Điều này thể hiện rất rõ qua môi trường, cảnh quan không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp, những làng quê như phố.
PV: Bài học sâu sắc nào được rút ra từ sự thành công nêu trên, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh: Trước hết chúng ta đã vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương, trên cơ sở tình hình thực tế ở địa phương để đưa ra các quan điểm chỉ đạo và kiên định, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hơn nữa, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền mà nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân và cộng đồng được nâng cao, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Lựa chọn các nội dung trọng tâm theo thứ tự ưu tiên để thực hiện, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng; xây dựng mô hình, điển hình tốt, hiệu quả để nhân rộng, “giữ lửa” cho phong trào cũng là một cách làm hay.
Đặc biệt, Ninh Bình có những cơ chế, cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; ngân sách Nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt; phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng.
PV: Trở thành tỉnh NTM là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay?
Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ tỉnh sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với mục tiêu như vậy, đầu năm 2022, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 321/QĐ-TTg về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh đã tham mưu xây dựng đề án, kế hoạch với lộ trình cụ thể, rành mạch từng năm, từng chỉ tiêu, số lượng huyện, xã đạt chuẩn để phấn đấu.
Ngay trong năm này, Đề án xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 đã được HĐND tỉnh thông qua. Đây chính là cơ sở để chúng ta phát huy những kết quả tích cực của giai đoạn trước, khắc phục triệt để những yếu kém còn tồn tại, đưa quá trình xây dựng NTM ngày càng “thiết thực, hiệu quả, toàn diện và bền vững”.
Đến nay, tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn và được rà soát đạt chuẩn 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025; có 54,6% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20,2% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và trên 600 thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. 8/8 huyện, thành phố lần lượt đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó huyện Yên Khánh đã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, còn với huyện Yên Mô, tỉnh cũng đã trình hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định.
Bộ tiêu chí tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ có 8 yêu cầu, so với giai đoạn trước tăng tới 6 yêu cầu cho thấy khối lượng công việc phải hoàn thành là rất lớn và rất khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này, tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành 7/8 yêu cầu. Duy nhất chỉ có một yêu cầu về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) là tỉnh chưa đạt.
Thực tế đây là một khó khăn chung, không riêng gì Ninh Bình mà nhiều địa phương khác cũng đang gặp phải. Nguyên nhân là do có sự thay đổi về cách tính toán, lấy mẫu, điều tra, thống kê số liệu. Năm 2023, chỉ số SIPAS trung bình cả nước là 82,66%, còn Ninh Bình là 82,71%, trong khi yêu cầu là trên 90%. Do vậy, Bộ Nội vụ và đa số các tỉnh, thành phố đều đề nghị xem xét, điều chỉnh “đạt từ 90% trở lên” còn “đạt từ 80% trở lên” để đảm bảo việc đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM chặt chẽ và phù hợp với thực tế.
Trong khi chờ Trung ương tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn này, Văn phòng điều phối NTM tỉnh vẫn đang gấp rút phối hợp với các ngành, địa phương tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu từ đó xây dựng hồ sơ báo cáo kết quả xây dựng NTM của tỉnh từ khi bắt đầu triển khai năm 2010 đến nay, phấn đấu hoàn thành trình Trung ương trong quý I năm 2025.
Có thể thấy, mục tiêu trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 đang ngày càng đến gần với Ninh Bình.
PV: Không dừng lại ở việc trở thành tỉnh NTM, Ninh Bình sẽ viết tiếp câu chuyện thành công của mình như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Thị Lan Anh: Xây dựng NTM là hành trình không điểm cuối, do vậy tỉnh tiếp tục xây dựng những mục tiêu, giải pháp cho lộ trình dài hơi, phấn đấu xây dựng NTM phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa, theo hướng xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại tiệm cận với đô thị”.
Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nhân lên những nông dân năng động, tự tin, làm chủ trong kinh tế nông nghiệp. Triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.
Trước mắt, trong năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Gia Viễn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; triển khai rà soát, công nhận lại mức độ đạt chuẩn đối với các xã và thành phố Hoa Lư sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025; phấn đấu công nhận thêm ít nhất 7 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu.
Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2026-2030.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!