Dồn lực thông tuyến 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng

Các nhà đầu tư, nhà thầu đang nỗ lực ngày đêm thi công, bảo đảm mục tiêu thông tuyến 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2025.

Dồn lực máy móc, thiết bị lẫn nhân sự

Trung tuần tháng 4/2025, phóng viên báo Tin tức và Dân tộc có mặt tại công trường dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với nhiều cung bậc cảm xúc khi chứng kiến sự hối hả và nỗ lực không biết mệt mỏi của nhiều cán bộ, công nhân đang thi công. Tiết trời khô nắng ráo, thuận lợi cho việc thi công các hạng mục cầu ở vị trí Km79+250 bắc qua sông Bằng.

Đây là khu vực có địa hình hiểm trở nhất với đường tiếp cận độc đạo và gập ghềnh nhiều vực sâu, gấp khúc gây khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng thi công, cũng như quá trình vận chuyển vật tư và máy móc thiết bị.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau năm 2025, các nhà đầu tư và nhà thầu của dự án đã có những chuyển động tích cực để đáp ứng tiến độ.

“Ban Điều hành dự án đã xác định các điểm xung yếu trên tuyến, qua đó đưa ra các giải pháp khắc chế như: Tổ chức lại biện pháp thi công, tăng mũi thi công, huy động thêm công nhân. Bên cạnh việc ký cam kết tiến độ, mỗi tuần, Ban đều họp giao ban với các nhà thầu đánh giá, kịp thời điều chỉnh nhân sự, thiết bị, vật tư để không gián đoạn thi công khi thời tiết thay đổi”, ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết.

Cầu bắc qua sông Bằng được xem là hạng mục khó khăn nhất của dự án.

Cầu bắc qua sông Bằng được xem là hạng mục khó khăn nhất của dự án.

Tại Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, doanh nghiệp dự án (DNDA) yêu cầu các nhà thầu tăng cường cả về máy móc, thiết bị lẫn nhân sự. Đến nay, các đơn vị thi công đã huy động thêm khoảng 300 cán bộ, công nhân và 120 đầu thiết bị, nâng tổng số hơn 2.000 nhân sự, cùng 985 đầu máy móc các loại, triển khai 71 mũi thi công trên toàn tuyến.

Để gia tăng sản lượng và chủ động mặt bằng, nhà đầu tư và nhà thầu đã tạm ứng chi phí đền bù đất cho người dân, sớm giải phóng 757,4/820,9ha (tương đương 92%) diện tích mặt bằng có thể thi công. DNDA và các nhà thầu sát cánh cùng chính quyền địa phương hỗ trợ dân di dời, san gạt nền; đồng thời, kiểm soát tiến độ theo từng phân đoạn rõ ràng.

“Tiến độ hầm Đông Khê đang vượt chỉ tiêu, nếu thời tiết thuận lợi, có thể hoàn thành trước kế hoạch 3 tháng, bào tháng 10/2025”, ông Nguyễn Xuân Thanh, ca trưởng bộ phận Bê tông vỏ hầm (nhà thầu ICV) cho biết...

Chính quyền địa phương cùng DNDA đã sát cánh hỗ trợ người dân di dời, san gạt nền, đảm bảo an sinh trong quá trình triển khai dự án. Để chủ động mặt bằng, nhà đầu tư và nhà thầu đã tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng, nhờ vậy đến nay đã thi công được khoảng 90% khối lượng.

“Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với từng nhà thầu, ký cam kết theo tuần. Có nhà thầu dù đủ máy móc vẫn chủ động thuê thêm thiết bị để tận dụng thời gian, đẩy nhanh sản lượng”, ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh khẳng định.

Các máy móc thiết bị phá núi đá làm đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Các máy móc thiết bị phá núi đá làm đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Đội ngũ công nhân khẩn trương chạy đua với thời gian hoàn thành theo tiến độ.

Đội ngũ công nhân khẩn trương chạy đua với thời gian hoàn thành theo tiến độ.

Tại Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, doanh nghiệp dự án đã tiến hành ký cam kết tiến độ theo từng tuần, nhằm đảm bảo mục tiêu thông tuyến trong năm 2025. Hiện nay, toàn dự án tổ chức 78 mũi thi công; huy động 1.955 kỹ sư, nhân công; 727 thiết bị...

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao được 486,68/557,82ha (tương đương 87,3% diện tích bàn giao). Tuy nhiên, mặt bằng bàn giao còn tình trạng "xôi đỗ", không liền tuyến, nhiều đoạn mặt bằng đã bàn giao, nhưng nhà thầu không thể tiếp cận thi công do vướng một số hộ chưa bàn giao mặt bằng nằm giữa tuyến.

Ông Trần Văn Chuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết, các nhà thầu hiện đang tập trung huy động toàn lực nhân lực và thiết bị, thực hiện đúng tinh thần “mặt bằng bàn giao tới đâu, khẩn trương triển khai thi công tới đó”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các nhà thầu cũng phản ánh tình trạng làm khó, đẩy giá vật liệu tại khu vực tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể, giá nguyên vật liệu niêm yết thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng nhà cung cấp "bù" chi phí vào cước vận chuyển.

Về vấn đề này, DNDA đã có các văn bản kiến nghị UBND tỉnh và Công an tỉnh rà soát, xác định rõ nguồn vật liệu, ưu tiên trữ lượng và công suất khai thác của các mỏ phục vụ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, đề xuất Sở Tài chính điều chỉnh thông báo giá niêm yết sát với giá thị trường.

Kích hoạt đầu tư giai đoạn 2 Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2 mở rộng toàn bộ 93,35 km giai đoạn 1; đồng thời, làm mới 27,71 km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Theo Thông báo số 43/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư ngay giai đoạn 2 đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với quy mô 4 làn xe theo phương thức PPP, áp dụng cơ chế như giai đoạn 1.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh biểu tượng cho ý chí chinh phục thiên nhiên, vượt rừng, băng núi mở đường.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh biểu tượng cho ý chí chinh phục thiên nhiên, vượt rừng, băng núi mở đường.

Trong chuyến công tác thị sát tình hình thực hiện Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 vào tháng 2/2025, Thủ tướng giao các bộ, ngành hướng dẫn địa phương phương án thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí vốn, địa phương tiếp tục ưu tiên giao cho những doanh nghiệp đã làm tốt giai đoạn 1.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 2 Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh dự kiến khoảng 10.295 tỷ đồng, trong đó 7.206 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước (chiếm gần 70% tổng mức đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng), 576 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.513 tỷ đồng vốn huy động.

Dự án phấn đấu thông tuyến kỹ thuật trong năm 2025.

Dự án phấn đấu thông tuyến kỹ thuật trong năm 2025.

“Về bản chất đây không phải là cơ chế ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, mà phần vốn góp này của Nhà nước sẽ giúp đảm bảo tính khả thi tài chính cho các dự án PPP hạ tầng được triển khai tại các địa bàn khó khăn. Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tăng, đồng nghĩa thời gian thu phí sẽ giảm, giúp nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn, khơi thông nguồn lực để quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phát triển theo đúng mục tiêu”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả khẳng định.

Ở góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Khánh Hòa, Trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, ngân hàng vẫn bám sát các công việc tại giai đoạn 1 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tín dụng. Đối với giai đoạn 2, VPBank đã nắm bắt thông tin và sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư nghiên cứu dự án để trình lãnh đạo ngân hàng phương án tham gia tài trợ vốn. VPBank đã làm việc và tài trợ vốn cho các dự án của Đèo Cả từ nhiều năm trước khi giải cứu Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay là Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1. VPBank tin tưởng doanh nghiệp và luôn đồng hành.

Minh Phương- Lê Phú/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/don-luc-thong-tuyen-2-cao-toc-dong-dang-tra-linh-va-huu-nghi-chi-lang-20250419210150723.htm