Đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền trong Luật mới

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung một số hoạt động có tiềm ẩn rủi ro như cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ tài sản ảo, hoạt động dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền (PCRT) tại Luật PCRT năm 2012.

Theo đó, đối tượng báo cáo PCRT bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Bên cạnh đó, để phù hợp khuyến nghị của Cơ quan liên chính phủ về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (FATF) và đáp ứng kiến nghị của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) tại Báo cáo đánh giá đa phương, Luật bổ sung một số hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền mà tổ chức thực hiện hoạt động đó phải thực hiện báo cáo gồm các tổ chức được cấp phép thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ.

Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, đây là hai hoạt động mới và khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này hiện mới đang trong giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện.

Tuy nhiên, đây là những hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến nên các bên tham gia giao dịch có tính ẩn danh cao.

Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung một số hoạt động có tiềm ẩn rủi ro như cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ tài sản ảo, hoạt động dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ. Ảnh: Nguyễn Tuân

Luật bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, theo đó tạo cơ sở pháp lý để quản lý về PCRT đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Luật PCRT 2022 cũng phù hợp với xu hướng chung của pháp luật về PCRT của các quốc gia trên thế giới, ví dụ liên quan đến các VASP, có hơn 90 quốc gia đã quy định các VASP là đối tượng báo cáo tại pháp luật về PCRT trong khi các nội dung về cấp phép, quản lý được quy định tại một văn bản chuyên ngành riêng.

Về hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tại khuyến nghị số 15 của FATF yêu cầu các quốc gia phải: xác định và đánh giá các rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố phát sinh từ các hoạt động tài sản ảo và các hoạt động của các VASP; yêu cầu các VASP thực hiện các bước thích hợp để xác định, đánh giá, quản lý và giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của họ.

Việc đưa quy định đối tượng báo cáo là các cung cấp dịch vụ tài sản ảo tại Luật PCRT 2022 cũng nhằm đáp ứng một phần khuyến nghị của FATF và đánh giá của APG.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-tuong-bao-cao-ve-phong-chong-rua-tien-trong-luat-moi-5009233.html