Đối thoại chủ nhật: Trồng cây, trồng rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu
Năm 2024, bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn đối với diện tích rừng ở các tỉnh miền Bắc. Năm 2025, ngành lâm nghiệp sẽ làm gì để khôi phục diện tích rừng này?
Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 có điểm gì mới? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Năm 2024, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tiếp tục đạt con số cao nhất từ trước đến nay, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của ngành lâm nghiệp, vậy nguyên nhân dẫn đến thành công này là gì, thưa đồng chí?
![Đồng chí Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp. Ảnh: NGHINH XUÂN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_16_51430146/428540b47afa93a4caeb.jpg)
Đồng chí Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp. Ảnh: NGHINH XUÂN
Đồng chí Trần Quang Bảo: Năm 2024, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ước đạt 17,29 tỷ USD, vượt 14% so với kế hoạch năm, tăng khoảng 20% so với năm 2023, cao nhất từ trước đến nay. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển.
Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chế biến gỗ xuất khẩu, gồm: Chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây phân tán, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phát triển cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gỗ. Các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng, chế biến gỗ.
Các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực trồng rừng sản xuất, chế biến gỗ tại địa bàn nông thôn được vay vốn không cần tài sản đảm bảo; hỗ trợ hợp tác, liên kết trong trồng rừng và tiêu thụ gỗ nguyên liệu... Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến gỗ cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc nói không với gỗ bất hợp pháp; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã đa dạng, giá trị gia tăng cao, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng; làm tốt công tác quảng bá, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, bán hàng online để giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ và lâm sản.
Cùng với đó, Việt Nam đã phê chuẩn và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm: CPTPP, Việt Nam-EU; Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc; Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản; Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp... tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm gỗ.
PV: Năm 2024, bão số 3 đã khiến hàng trăm nghìn héc-ta rừng bị thiệt hại nặng ở các địa phương phía Bắc. Vậy năm 2025, ngành lâm nghiệp có kế hoạch thế nào để khôi phục diện tích rừng này, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Quang Bảo: Ngay sau khi bão số 3 qua đi, Bộ NN-PTNT đã có nhiều hành động để cùng với các địa phương khắc phục thiệt hại, như: Bộ và lãnh đạo Cục Lâm nghiệp đã tổ chức các đoàn công tác để cùng với các địa phương khảo sát, nắm tình hình và bàn giải pháp khắc phục thiệt hại sau bão. Cục Lâm nghiệp đã kịp thời ban hành Văn bản số 1339/LN-PTR ngày 10-9-2024 gửi các địa phương hướng dẫn khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó hướng dẫn rất chi tiết về phục hồi, trồng lại rừng sau thiên tai. Tổ chức hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Để tiếp tục khắc phục thiệt hại và khôi phục diện tích rừng trong năm 2025 và các năm tiếp theo, ngành lâm nghiệp sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Trên cơ sở Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ngày 25-10-2024 của Chính phủ quy định về thanh lý rừng trồng, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương sẽ tổ chức xử lý những diện tích rừng trồng bị thiệt hại theo quy định như vệ sinh rừng, chặt cây đổ gãy đối với rừng bị thiệt hại nhẹ; thực hiện thủ tục thanh lý rừng... Chuẩn bị đủ nguồn giống, cây giống, vật tư, phương án nhân công để tổ chức trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi thời tiết thuận lợi. Đồng thời, tổ chức vệ sinh, sửa chữa vườn ươm để sản xuất cây giống, vật tư trồng rừng.
![Lực lượng kiểm lâm và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái tham gia Tết trồng cây. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_16_51430146/3a5e3e6f0421ed7fb430.jpg)
Lực lượng kiểm lâm và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái tham gia Tết trồng cây. Ảnh: NGUYỄN DIỆP ANH
PV: Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025 có điểm mới gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Quang Bảo: Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 9892/CT-BNN-LN ngày 26-12-2024 về tổ chức Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong đó, chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, phát triển nông, lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Việc tổ chức Tết trồng cây thiết thực, hiệu quả sẽ góp phần động viên các cấp, các ngành tham gia và huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội. Phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc chú trọng chọn lựa trồng cây bản địa, cây lâm nghiệp đa tác dụng, cây có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện đất đai và mùa vụ trồng rừng của từng vùng, miền sẽ bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!