Đổi mới việc học tập lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới

Ngày 25/7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: 'Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

Tại hội thảo, GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Nhận thức tầm quan trọng của lý luận chính trị (LLCC) và giáo dục chính trị, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác này.

Theo GS. Lê Văn Lợi, việc đổi mới giáo dục LLCT cần tiếp tục sâu rộng hơn và phải đặt trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, giảng dạy và giáo dục LLCT cũng phải nằm trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, phức tạp với nhiều vấn đề toàn cầu mới xuất hiện.

 Toàn cảnh hội thảo ngày 25/7.

Toàn cảnh hội thảo ngày 25/7.

GS. Lê Văn Lợi cũng cho rằng, hiện đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Do đó, ngành giáo dục nói chung cũng như giáo dục LLCT cần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có tư duy độc lập, sáng tạo...

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), cho rằng có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục LLCT hiện nay. Ví như cần đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy LLCT; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục LLCT; nâng cao ý thức trách nhiệm của người học.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình đào tạo LLCT hiện nay. Ví như, như nội dung giáo trình còn nặng tính hàn lâm, thiếu gắn kết thực tiễn, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, đội ngũ giảng viên còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu...

Từ những hạn chế đã được chỉ ra, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp mang tính chiến lược và đột phá. Trước mắt, cần rà soát, cập nhật nội dung chương trình LLCT theo hướng tích cực, gắn với thực tiễn đất nước và các vấn đề toàn cầu như chuyển đổi số, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, chủ quyền số. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm, tăng tính tương tác và khả năng phản biện trong học tập. Ngoài ra, cần phát triển đội ngũ giảng viên LLCT đáp ứng yêu cầu mới; thiết lập cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương với các đơn vị liên quan.

Theo Ban tổ chức, hội sẽ thảo góp phần cung cấp những luận chứng khoa học, thực tiễn về công tác giáo dục lý luận chính trị (LLCT) trong kỷ nguyên mới. Từ đó, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư các định hướng đổi mới giáo dục LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-moi-viec-hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-dap-ung-yeu-cau-trong-ky-nguyen-moi-post1763547.tpo