Đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào
Sáng 16/10, tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức 'Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào' dành cho 10 tỉnh biên giới Việt Nam-Lào. Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng: Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao; Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng gần 250 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các ban, sở ngành, lực lượng vũ trang của 10 tỉnh có biên giới tiếp giáp với Lào, gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Quảng Nam có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sê Kông (Lào), dài trên 157 km, với 60 cột mốc và 7 cọc dấu thuộc 2 huyện Nam Giang và Tây Giang; với 14 xã, 71 thôn, 6.527 hộ, 25.077 khẩu, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng.
Thời gian qua, công tác quản lý biên giới trên đất liền luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) đã thực hiện hiệu quả Mô hình “kết nghĩa thôn-bản hai bên biên giới”. Đến nay, có 35 thôn của 10 xã biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông).
Mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt; trong đó, kết quả nổi bật là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững. Thông qua hoạt động giao lưu nhân dân đặc biệt này, cộng đồng dân cư hai bên biên giới không chỉ có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc mà còn có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế-xã hội...
Tại hội nghị, các đại biểu nghe và trao đổi về: Công tác biên giới lãnh thổ đóng góp thiết thực trong xây dựng, bảo vệ đất nước trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Lào; Thực tiễn và kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý biên giới quốc gia trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Lào của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua và Phương hướng phát triển thương mại biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm qua, tình hình biên giới hai nước được duy trì, bảo đảm ổn định. Lực lượng chức năng của hai nước thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề biên giới một cách kịp thời và hiệu quả như: ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm ma túy, kích động, lôi kéo và đưa người vượt biên trái phép; bảo vệ tài nguyên môi trường khu vực biên giới; đẩy mạnh hợp tác phát triển cửa khẩu biên giới nhằm phục vụ tốt việc quản lý, kiểm soát qua lại biên giới và phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới Việt Nam-Lào.
Đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp; xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển đứng trước nhiều thách thức. Trong nước, tình hình chính trị, kinh tế-xã hội ổn định; công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh; uy tín, vị thế của đất nước không ngừng nâng lên.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, dân tộc, tôn giáo nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Việt Nam, chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai lưu ý, trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành các địa phương khu vực biên giới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản liên quan.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới của Tổ quốc.
Đồng chí Vũ Thanh Mai đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh có biên giới cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc, chủ trương, vừa linh hoạt, ứng phó hiệu quả với các tình huống nhạy cảm mới phát sinh. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, thực sự trở thành “phên dậu” vững chắc bảo vệ biên giới.
Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền.
Đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc. Phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ, bảo đảm công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác tuyên truyền giáo dục được chặt chẽ, kịp thời, đa chiều, toàn diện.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở như già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân cư khu vực biên giới. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân giữa các bản, làng, xã, huyện, tỉnh sát biên của hai nước Việt Nam-Lào...