Đổi mới trong đào tạo giáo dục tiểu học

Một trong những điểm mới trong đào tạo giáo dục tiểu học (GDTH) tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (ĐHH) hiện nay là đổi mới phương pháp trong dạy học và hoạt động giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học.

Sinh viên Bùi Xuân Hoài thực tập tại Trường tiểu học Phú Bài (TX. Hương Thủy)

Sinh viên Bùi Xuân Hoài thực tập tại Trường tiểu học Phú Bài (TX. Hương Thủy)

Tự tin

Bùi Xuân Hoài - sinh viên năm 4, Khoa GDTH Trường Đại học Sư phạm, ĐHH đang tham gia đợt thực tập sư phạm 2 tại Trường tiểu học số 2 Phú Bài (TX. Hương Thủy). Đây cũng là cơ hội để Hoài rèn luyện kỹ năng sư phạm, dạy học để tự tin bước vào nghề sau khi tốt nghiệp. Hoài chia sẻ, em là lớp sinh viên bước vào giảng đường đại học đúng vào thời điểm Chương trình GDPT 2018 bắt đầu được triển khai với khối lớp 1. Ngay từ khi nhập học, chương trình đào tạo của khoa được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, đảm bảo sinh viên có thể đáp ứng tốt các yêu cầu của giáo dục tiểu học trong bối cảnh mới.

Trường Đại học Sư phạm, ĐHH luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm; đồng thời, tích hợp giáo dục STEM vào nhiều học phần. Sinh viên cũng được tiếp cận sâu với các học phần liên quan đến phương pháp giảng dạy từng môn học theo Chương trình GDPT 2018. Khoa GDTH của trường thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp giảng dạy, như hội thảo "Đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học" với trên 25 bài báo cáo khoa học chất lượng; Hội thảo "Giải pháp triển khai Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa lớp 1, 2, 3" với trên 20 bài báo cáo khoa học.

Trường và khoa còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho sinh viên. Hội thi nghiệp vụ sư phạm là một trong những sân chơi quan trọng giúp sinh viên thực hành, nâng cao kỹ năng giảng dạy, xử lý tình huống sư phạm, thiết kế bài giảng sáng tạo theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, trường tăng cường các hoạt động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học trên địa bàn để tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành, quan sát thực tế và học hỏi kinh nghiệm từ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới.

Các câu lạc bộ kỹ năng và học thuật trong trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện nghiệp vụ. Các câu lạc bộ này thường xuyên tổ chức các chuyên đề về kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn có cơ hội thực hành, rèn luyện kỹ năng một cách thực tế và hiệu quả. “Tất cả những gì được học giúp chúng em có được sự chuẩn bị sẵn sàng nhất để bước vào môi trường giảng dạy thực tế, đảm bảo đáp ứng tốt nhất những yêu cầu mới của GDTH theo Chương trình GDPT 2018”, Hoài tự tin.

Luôn cập nhật

TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, ĐHH thông tin, mới đây, Khoa GDTH tổ chức hội thảo khoa học học viên, sinh viên lần thứ nhất với chủ đề “Đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học”. Đây là một trong số hội thảo tạo cơ hội cho sinh viên, học viên của khoa trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học gắn với việc đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, cũng là cơ hội để khuyến khích, kết nối và tạo diễn đàn, tinh thần nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy sáng tạo trong sinh viên và học viên.

Nhiều hoạt động đào tạo của Khoa GDTH Trường Đại học Sư phạm, ĐHH đáp ứng yêu cầu hiện nay, giúp học viên, sinh viên phát triển trí thông minh thị giác qua sơ đồ tư duy trong dạy học tiếng Việt, sử dụng thiết bị dạy học số, dạy học dựa trên quan điểm tiếp cận CPA trong môn toán, thiết kế phim hoạt hình, thí nghiệm ảo hỗ trợ dạy học tự nhiên và xã hội, dạy học khoa học... Điều này thể hiện nỗ lực nghiên cứu của học viên, sinh viên trước nhiều cơ hội và thách thức. Đặc biệt, phân tích chương trình và tài liệu, sách giáo khoa một cách nghiêm cẩn thực sự rất có ý nghĩa đối với việc lựa chọn phương pháp, kỹ thuật, phương tiện dạy học.

Trong bối cảnh thực hiện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, Khoa GDTH chọn cách soi chiếu vấn đề chuyên sâu từ điểm nhìn so sánh nội dung, chiến lược sư phạm trong 2 - 3 bộ sách giáo khoa, góp phần khẳng định tính chuyên nghiệp trong học thuật cũng như trong trải nghiệm thực tiễn. Một số nghiên cứu, như “thiết kế hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng cho học sinh dân tộc thiểu số” cũng đã thể hiện sự quan tâm đúng mức của các nhà sư phạm với chiến lược dạy học phân hóa, chú ý đến nhóm người học đặc thù.

Trong nhiều báo cáo khoa học của Trường Đại học Sư phạm, ĐHH có khá nhiều đề xuất đổi mới phương pháp dạy học gắn với vận dụng các lý thuyết, mô hình dạy học hiện đại, có khả năng kích hoạt năng lực sáng tạo, niềm hứng khởi học tập và trải nghiệm cho người học, như: Mô hình giáo dục trải nghiệm, mô hình học thông qua chơi, giáo dục STEM, lý thuyết kiến tạo.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/doi-moi-trong-dao-tao-giao-duc-tieu-hoc-152051.html