Đổi mới thể chế mạnh mẽ, hiệu quả để phát triển toàn diện

Từ năm 1986, Đảng ta đã chủ trương đổi mới tư duy từ suy nghĩ đến hành động nặng tính quan liêu, bao cấp trong một nền kinh tế kế hoạch hóa cao độ để chuyển qua một cách suy nghĩ mới, tiếp cận mới đối với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó đã đưa đất nước ta vào một giai đoạn phát triển mới, vượt qua rất nhiều khó khăn để có được một nước Việt Nam như ngày nay.

Nhưng quá trình đổi mới tư duy đó muốn hiện thực hóa thì phải thông qua việc xây dựng một hệ thống pháp luật mới. Hệ thống này phải bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả. Nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ ra ba đột phá chiến lược là: Thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Đổi mới thể chế - trọng tâm của kỳ họp

Gần 40 năm qua, thế giới đã có rất nhiều biến đổi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng phát mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua. Cùng với đó, bất ổn về địa chính trị ngày càng diễn ra gay gắt. Toàn cầu hóa đang đứng trước thách thức và chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ đang quay lại ở khá nhiều nước, nhiều nền kinh tế. Hiện tại, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan. Cạnh tranh chiến lược đã làm cho sự phân cực trên thế giới diễn ra mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP của nước ta ước tính cuối năm 2024 khoảng 460 tỷ USD, trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới về GDP; đồng thời, Việt Nam thuộc tốp 20 xét về kim ngạch thương mại.

Nhưng nhìn nhận lại, Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, tính hiệu quả của nền kinh tế cần nâng cao hơn nữa để tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như ý kiến chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong ba đột phá chiến lược, có thể thấy thể chế là khâu quan trọng nhất.

Nó được xem là “điểm nghẽn của những điểm nghẽn” trên con đường đi lên của đất nước. Gỡ nút thắt thể chế là xem xét, đánh giá lại tính khả thi và hiệu quả của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, từ đó bổ sung, chỉnh sửa, thậm chí là thay thế sao cho với hệ thống văn bản quy phạm đó mà cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị đều thực thi được và thực thi có hiệu quả.

Cùng với các nội dung về giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề lớn về kinh tế-xã hội…, Quốc hội khóa XV trong kỳ họp thứ 8 này dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật mà có thể xem là một trong những nội dung căn bản của thể chế.

Nhìn lại chặng đường đi qua, vấn đề rất lớn lâu nay không chỉ được đại biểu Quốc hội quan tâm, mà đông đảo cử tri và nhân dân rất quan tâm yêu cầu, kiến nghị, đó là cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền, đổi mới thể chế,… Vấn đề này đã được Đảng chuyển từ chủ trương thành nghị quyết trong hơn 15 năm qua nhưng vì sao đến nay vẫn còn là “điểm nghẽn”, là câu hỏi day dứt mà toàn Đảng, toàn dân đặt ra.

Phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong kỷ nguyên mới

Thiết nghĩ, câu trả lời sẽ cần có thời gian để đánh giá, tổng kết nhưng rõ ràng với khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu không gỡ nút thắt thể chế thì khó có thể để các đột phá chiến lược khác thành công như mong đợi được.

Một hệ thống pháp luật có hiệu lực và hiệu quả tất nhiên phải lấy các yêu cầu về kinh tế-xã hội làm mục tiêu. Nhưng đó chỉ là điều kiện đủ. Còn phải tính toán, cân đối sự tương thích giữa các văn bản quy phạm pháp luật, xem như là điều kiện cần. Ở đây, kỹ thuật lập pháp rất quan trọng. Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa qua có đề cập đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong phát biểu tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”.

Tổng Bí thư nêu rất rõ: Các quy định của pháp luật mang tính chất ổn định, có giá trị lâu dài, luật chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên giao cho Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư...

Với các thông điệp rất mạnh mẽ của Tổng Bí thư thời gian vừa qua, nhất là về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và đổi mới hoạt động Quốc hội, thì sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là hết sức chặt chẽ và hiệu quả. Việc thông qua 15 luật và cho ý kiến 13 dự án luật trong kỳ họp thứ 8 này là một công việc rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của Chính phủ và Quốc hội.

Trong một thế giới nhiều chuyển biến, nhiều biến động…, phương châm trong xây dựng pháp luật như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nó cho phép bộ máy hành pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để xoay trở, thích ứng với môi trường, với hoàn cảnh chủ động hơn. Nhờ đó, những rào cản, những bất hợp lý mà thực tiễn chứng minh sẽ được điều chỉnh, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước.

Nhân dân và cử tri cả nước hết sức tin tưởng vào kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV này, kỳ vọng vào những cố gắng to lớn của Chính phủ và Quốc hội mạnh mẽ đổi mới, tháo gỡ nút thắt thể chế để đất nước có điều kiện tiền đề bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tiến sĩ TRƯƠNG VĂN PHƯỚC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-the-che-manh-me-hieu-qua-de-phat-trien-toan-dien-post847580.html