Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm
Thực hiện Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 5 năm qua, công tác biên soạn, chất lượng số liệu GRDP đã được cải thiện rõ rệt, góp phần tích cực trong phục vụ điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế tại tỉnh ta. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thực hiện Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 5 năm qua, công tác biên soạn, chất lượng số liệu GRDP đã được cải thiện rõ rệt, góp phần tích cực trong phục vụ điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế tại tỉnh ta.
Để thực hiện hiệu quả Đề án 715, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 19-1-2018 về biểu mẫu thu thập hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể nội dung chỉ tiêu, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, kỳ báo cáo, thời hạn báo cáo… để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn chia sẻ thông tin với Cục Thống kê tỉnh nhằm tổng hợp đầy đủ, toàn diện, khách quan số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ biên soạn số liệu GRDP của tỉnh. Cục Thống kê tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng thông qua các hội nghị, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo sơ kết, tổng kết của UBND tỉnh… để các cấp, các ngành nắm được quy trình biên soạn và công bố số liệu GRDP của tỉnh. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nâng cao nhận thức, trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tăng cường phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin đầu vào đáp ứng yêu cầu biên soạn số liệu GRDP. Công tác chỉ đạo, tổ chức được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo nguyên tắc độc lập về chuyên môn, công khai, minh bạch nên số liệu được thu thập, xử lý và tổng hợp đầy đủ, đảm bảo chất lượng phục vụ biên soạn số liệu GRDP theo yêu cầu. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với Cục Thống kê thực hiện tốt các cuộc điều tra thống kê, số liệu phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phục vụ tính GRDP. Trên cơ sở số liệu tổng hợp từ các sở, ban, ngành và từ các cuộc điều tra thống kê, Cục Thống kê tỉnh phối hợp với các Vụ chuyên ngành của Tổng cục Thống kê rà soát số liệu giá trị sản xuất của các ngành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại, dịch vụ 6 tháng đầu năm và cả năm phục vụ biên soạn số liệu GRDP.
Đến nay, số liệu GRDP biên soạn và công bố đã phản ánh chính xác hơn về thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương do thông tin đầu vào được thu thập từ nhiều nguồn, xử lý qua nhiều cấp, nhiều vòng với sự tham gia của nhiều đơn vị. Cùng với đó, các kỳ biên soạn và thời gian công bố số liệu ổn định theo kỳ 6 tháng đầu năm và cả năm, giúp các địa phương có căn cứ để xây dựng kế hoạch, kịp thời có giải pháp điều chỉnh, khắc phục, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn. Năm 2020, GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 76.959 tỷ đồng. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,46%; công nghiệp và xây dựng chiếm 39,48%; dịch vụ chiếm 34,93%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,13%. Chỉ tiêu GRDP do Cục Thống kê tỉnh công bố trong những năm gần đây đã trở thành nguồn thông tin thống kê chính thống, có tính pháp lý cao; được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND các cấp cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân tin cậy sử dụng trong công tác chỉ đạo điều hành, định hướng phát triển kinh tế; là cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025. Thông tin về GRDP trên địa bàn tỉnh cũng đã được Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố và phổ biến rộng rãi thông qua báo cáo kinh tế - xã hội tại các cuộc họp UBND tỉnh, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các địa phương.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong thực hiện Đề án 715 cần sớm được khắc phục, điều chỉnh. Số liệu GRDP giai đoạn 2010-2020 sau khi rà soát, đánh giá lại có nhiều thay đổi so với số liệu đang sử dụng. Vì vậy, công tác đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2015-2020 so với mục tiêu kế hoạch đã xây dựng từ đầu nhiệm kỳ ở địa phương có bất cập, chưa sát thực trạng. Phương pháp tính giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từ sản lượng và bảng giá cố định không còn phù hợp, không phản ánh đúng kết quả sản xuất đối với những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao. Một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập đầy đủ như kinh doanh trực tuyến (qua mạng xã hội…), cá nhân kinh doanh tự do… Việc thu thập thông tin đầu vào của một số đơn vị đối với Cục Thống kê còn khó khăn như ước tính các chỉ tiêu thu, chi ngân sách Nhà nước; thu thuế hải quan; hoạt động kinh doanh xổ số. Thời gian công bố số liệu GRDP ước cả năm chưa phù hợp phục vụ một số hoạt động của địa phương như dùng làm tài liệu để tiếp xúc cử tri, tài liệu trong các kỳ họp thẩm tra của các Ban HĐND, tài liệu dự thảo tình hình thực hiện các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Thời gian tới, Cục Thống kê tỉnh tích cực phối hợp với Tổng cục Thông kê và các địa phương nâng cao năng lực, chất lượng giải trình, chất lượng thông tin đầu vào và thống nhất số liệu đầu ra. Từng bước triển khai tốt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (theo Quyết định 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhằm bổ sung kết quả một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập và biên soạn trong chỉ tiêu GRDP để đảm bảo phản ánh đúng, sát quy mô kinh tế của địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Toàn