Đổi mới nhiều mặt về truyền thông chính sách

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan

Chiều 24-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực". Ngoài điểm cầu trụ sở Chính phủ, hội nghị kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố.

Báo chí chính thống gặp nhiều khó khăn

Tại hội nghị, chia sẻ sự khó khăn của cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới, báo chí chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn và cần đặt hàng từ nhà nước cho báo chí. Ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích báo chí chỉ là phương tiện truyền thông, còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. "Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền, tức là báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị .Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị .Ảnh: NHẬT BẮC

Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng đặt vấn đề báo chí muốn tồn tại được thì phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ. Công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí, không có công nghệ là không thể làm báo. Hiện nay mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do công nghệ. Trong khi mỗi năm đầu tư cho báo chí chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, là mức rất thấp. "Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực" - ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nêu thực tế nhiều cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách nhưng phải đi "xin" thông tin ở cơ quan chức năng. "Các cơ quan nhà nước chính là "khách hàng" của cơ quan báo chí. Nếu không có kinh phí thì rất khó khăn cho cơ quan báo chí" - ông Lê Quốc Minh bày tỏ.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng ngoài vấn đề nhận thức về vai trò của truyền thông chính sách, cần làm tốt công tác dự báo để biết trước được vấn đề nào sẽ gây ra khủng hoảng, dư luận quan tâm và có phương pháp, cách thức xử lý phù hợp.

Sẽ bố trí kinh phí cho báo chí

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027", nhất là việc ban hành kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách, bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách. Đồng thời, hướng dẫn cơ chế thực hiện đặt hàng với các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông.

Trước nhiều ý kiến kêu khó về kinh phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan ban hành các thông tư quy định liên quan đến hoạt động truyền thông chính sách. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ TT-TT về chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để tăng nguồn ngân sách nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách.

Giải quyết vấn đề kinh phí theo hướng đặt hàng

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. "Chúng ta làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Nhấn mạnh việc không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, Thủ tướng dẫn chứng vừa qua đã xử lý một số hành vi, việc làm không đúng pháp luật liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, một số tổ chức tín dụng yếu kém, vấn đề này không thể không xử lý, bởi càng để lâu càng ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân. Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách…

Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. "Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông?!" - Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý nhiệm vụ tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nhất trí giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác này theo hướng đặt hàng. Thủ tướng giao Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách. Văn phòng Chính phủ, Bộ TT-TT tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách thời gian tới.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/doi-moi-nhieu-mat-ve-truyen-thong-chinh-sach-20221124220248402.htm