Đổi mới hoạt động, giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Không ngừng đổi mới công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND là nội dung mà đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh tại nhiều kỳ họp, phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại Hội nghị giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Ảnh: Mạnh Hùng

Việc tổ chức GS chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh được tiến hành theo kế hoạch, tạo sự chủ động để Thường trực, các ban, các cơ quan liên quan mời tham gia đoàn GS. Khi triển khai GS có sự phối hợp hoạt động nên hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, thời điểm đại biểu HĐND tỉnh thực hiện.

Về kế hoạch GS của các ban thuộc HĐND tỉnh, năm 2024, Ban Pháp chế quyết định GS về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý giai đoạn 2018-2023; Ban Văn hóa - Xã hội GS việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ban Kinh tế - Ngân sách GS việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, ngày 23/3/2021 về việc thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 201/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh thông qua Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ban Dân tộc GS việc triển khai thực hiện Dự án 5 - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động GS chuyên đề của Thường trực HĐND ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; tổ chức GS sâu và toàn diện vào các lĩnh vực cử tri, nhân dân quan tâm. Đơn cử như năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức GS chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả GS của HĐND tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường đất, nước, không khí, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi vẫn chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, để xảy ra tình trạng ô nhiễm; hệ thống công trình bảo vệ môi trường chưa đảm bảo...

Từ kết quả trên, Đoàn GS HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kịp thời sàng lọc, loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, không phù hợp quy hoạch, không bảo đảm quỹ đất xây dựng công trình xử lý chất thải. Đồng thời tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường.

Đây là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết quả trên cho thấy, vấn đề môi trường luôn được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm đã được HĐND tỉnh lựa chọn GS chuyên đề.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát tại các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề môi trường.

Ngoài GS chuyên đề, năm 2023 Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc GS, trong đó có 2 cuộc GS kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 10, 13 và 1 cuộc GS chuyên đề kết quả thực hiện một số kiến nghị tại nghị quyết GS chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị GS của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV.

Thường trực HĐND tỉnh thực hiện GS thường xuyên tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp thông qua việc xem xét các báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.

Tại mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, công tác GS thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được HĐND tỉnh quan tâm. Trước mỗi phiên chất vấn, Thường trực HĐND chỉ đạo từ việc lựa chọn nội dung đến công tác điều hành phiên chất vấn. Nội dung chất vấn đi vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có tính thời sự.

Việc tổ chức chất vấn có nhiều đổi mới theo hướng hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề. Việc trả lời chất vấn nhìn chung thể hiện tính nghiêm túc, cầu thị. Không khí chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, được cử tri và nhân dân theo dõi đánh giá cao.

Sau phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận yêu cầu UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương liên quan giải quyết những vấn đề được đại biểu nêu tại phiên chất vấn nhưng chưa được trả lời hoặc trả lời chưa thỏa đáng, đồng thời giao cho các Ban của HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc, theo dõi, GS việc thực hiện kết luận chất vấn.

Với cách làm hiệu quả, chất lượng, các cuộc GS của HĐND tỉnh đã đi vào cuộc sống, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nổi cộm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202403/doi-moi-hoat-dong-giam-sat-co-trong-tam-trong-diem-9ad29c1/