Đổi mới giáo dục tâm lý thích ứng với chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo

Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động, áp lực xã hội ngày càng gia tăng, sức khỏe tâm lý trở thành yếu tố thiết yếu trong giáo dục hiện đại.

Nắm bắt xu thế ấy, trường Đại học Gia Định (GDU) phối hợp cùng Quỹ từ thiện Bông hồng nhỏ tổ chức hội thảo: "Phẩm cách, sức mạnh tâm lý và sự phát triển toàn diện của sinh viên", tạo ra diễn đàn học thuật đa chiều với nhiều góc nhìn sâu sắc.

Phát triển toàn diện trong kỷ nguyên AI

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh sinh viên ngày nay đối diện với nhiều thách thức từ ảnh hưởng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội, cho đến những áp lực vô hình của xã hội hiện đại. Sự gia tăng nhanh chóng của công nghệ giúp mở rộng cơ hội học tập và sáng tạo, nhưng cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy về tâm lý: lo âu, mất định hướng, thiếu khả năng kết nối cảm xúc và nguy cơ đánh mất chính mình.

Các đại biểu tham gia hội thảo là những chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý uy tín trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham gia hội thảo là những chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý uy tín trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định nhấn mạnh: “Trong bối cảnh giáo dục đại học chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa, việc chú trọng phát triển phẩm cách, sức mạnh tâm lý cho sinh viên trở thành một yêu cầu cấp thiết. Trường Đại học Gia Định mong muốn thông qua hội thảo lần này, có thể mở ra thêm nhiều cách tiếp cận mới, thiết thực hơn để giúp sinh viên giỏi chuyên môn, vững tâm lý, giàu bản lĩnh, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội”.

Đại diện GDU cũng cho biết, hội thảo là một phần trong chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng nhân văn - sáng tạo - ứng dụng. "Từ năm học 2025, GDU sẽ chính thức tuyển sinh ngành Tâm lý học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực lắng nghe và đồng hành cùng cộng đồng", NGƯT.PGS.TS Thái Bá Cần nói.

Trong phần trình bày của mình, GS Lê Xuân Hy, chuyên gia Tâm lý học, Giám đốc Viện Phát triển Con người (Đại học Seattle, Hoa Kỳ) nêu bật mối quan hệ giữa việc dạy và học với AI cùng khả năng phát triển của người học.

Theo GS. Lê Xuân Hy, AI không chỉ là một công cụ học tập, mà còn là “đối tác” phản chiếu tư duy, cảm xúc, định hướng nghề nghiệp, đưa ra phương pháp giáo dục toàn diện hơn cho sinh viên thời hiện đại.

Khi khoa học Tâm lý song hành cùng giáo dục đại học

Với tư cách là đồng Trưởng ban tổ chức, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó chủ tịch Quỹ bông hồng nhỏ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Gia Định mang đến bài báo cáo khoa học đầy bổ ích về “Ý thức sống phẩm giá con người của sinh viên một số trường đại học tư thục ở Việt Nam”.

Nghiên cứu đặt ra câu hỏi cốt lõi, liên quan tới nhận thức đạo đức và tinh thần trách nhiệm cá nhân trong môi trường đại học, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo dân lập, nơi sinh viên phải tự chủ nhiều hơn về lối sống, cũng như định hướng tương lai.

“Việc giáo dục để các em học cách nhìn nhận, hiểu được giá trị của mình đóng vai trò cùng cần thiết. Đây chính là nền tảng thiết yếu trong việc định hình giá trị sống cho mỗi học sinh, sinh viên”, TS Cường nhận định.

TS. Đỗ Mạnh Cường chia sẻ tại buổi Hội thảo Khoa học Quốc tế về Tâm lý 2025.

TS. Đỗ Mạnh Cường chia sẻ tại buổi Hội thảo Khoa học Quốc tế về Tâm lý 2025.

Tại hội thảo, GS. Kevin L. Ladd (Đại học Indiana South Bend, Hoa Kỳ) cũng mang đến một góc nhìn độc đáo về lĩnh vực tâm lý thông qua chủ đề “Lòng biết ơn, Mê cung, thơ Haiku và mô hình g ỉang dạy giải phóng thời gian”. Ông kết hợp các yếu tố văn hóa, thiền định và thực hành sáng tạo để đưa ra mô hình giáo dục mới, tập trung vào việc gieo hạt tư duy, cảm xúc tích cực cho sinh viên. Điều này giúp người học phát triển năng lực nội tại một cách bền vững, thay vì chỉ chạy theo thành tích bên ngoài.

Trong khi đó, GS Daniel N. McIntosh, Trưởng khoa danh dự trường Nghệ thuật, Nhân văn và Khoa học Xã hội (Đại học Denver, Hoa Kỳ) lại chia sẻ chủ đề “Sức mạnh của việc chia sẻ trải nghiệm: Giảng dạy toàn diện về sự phát triển và thực hành tôn giáo, tâm linh”. Bằng cách khai thác yếu tố tâm linh và trải nghiệm thực tế trong giảng dạy, ông cho rằng giáo dục không chỉ đảm nhận vai trò truyền đạt tri thức, mà còn là quá trình nuôi dưỡng tâm hồn, giúp sinh viên phát triển một cách toàn diện.

Bên cạnh các báo cáo quốc tế, hội thảo còn có sự tham gia trình bày của nhiều chuyên gia trong nước, tập trung vào những chủ đề gần gũi như vai trò của sức khỏe tinh thần trong trường học, ảnh hưởng mạng xã hội đối với hành vi sinh viên, phương pháp đánh giá tâm lý ứng dụng trong tuyển sinh - định hướng nghề nghiệp.

Thông qua hội thảo, trường Đại học Gia Định khẳng định cam kết xây dựng nền giáo dục đại học không chỉ chú trọng kỹ năng chuyên môn, mà còn quan tâm phát triển con người toàn diện. Đây cũng là cơ sở cho việc nhà trường mở thêm ngành Tâm lý học từ năm 2025 để đáp ứng nhu cầu xã hội và bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Kim Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doi-moi-giao-duc-tam-ly-thich-ung-voi-chuyen-doi-so-tri-tue-nhan-tao-ar945353.html