Đổi mới, đẩy mạnh truyền thông về khoa học - công nghệ

Thời gian qua, cùng với nhiều hoạt động thúc đẩy, ươm mầm phát triển các dự án về khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), các địa phương Đông Nam Bộ còn triển khai nhiều hoạt động liên quan đến truyền thông KHCN.

Các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải nhất Giải thưởng Báo chí về khoa học - công nghệ năm 2023. Ảnh: H.Hà

Các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải nhất Giải thưởng Báo chí về khoa học - công nghệ năm 2023. Ảnh: H.Hà

Điều này giúp phản ánh, nhân rộng các mô hình hay về KHCN và ĐMST tại các địa phương; phản ánh một cách toàn diện, đa chiều các lĩnh vực hoạt động KHCN và ĐMST. Qua đó, góp phần đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển KHCN và ĐMST.

Triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền

Nhiều địa phương Đông Nam Bộ ngày càng chú trọng công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về hoạt động KHCN, chuyển đổi số, ĐMST… Trong đó, các tỉnh, thành thường xuyên duy trì giải thưởng truyền thông về KHCN hàng năm.

Đơn cử, tại Đồng Nai, Giải thưởng Sản phẩm truyền thông KHCN Đồng Nai đã tổ chức được 14 lần. Thông qua các tác phẩm dự thi, giải thưởng đã góp phần tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực KHCN, đặc biệt là các thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới quản lý KHCN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cuộc thi liên quan đến KHCN, tổ chức Ngày hội KHCN nhằm góp phần lan tỏa tinh thần KHCN nói chung và những mô hình, thành tựu trong lĩnh vực KHCN nói riêng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá cao những kết quả đạt được từ các phong trào, hội thi, cuộc thi, ngày hội về KHCN của tỉnh, trong đó có Giải thưởng Sản phẩm truyền thông KHCN trong thời gian qua. Đồng Nai luôn đồng hành với ngành KHCN để tạo sức hút về nguồn nhân lực, đầu tư phát triển trong lĩnh vực KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bảo đảm bền vững. Đồng thời, góp phần lan tỏa, phát triển các hệ sinh thái về khởi nghiệp, ĐMST, thúc đẩy KHCN, chuyển đổi số tại địa phương.

Tương tự, tại tỉnh Bình Phước, công tác truyền thông, tuyên truyền về KHCN cũng được ngành KHCN đẩy mạnh trong suốt thời gian qua với nhiều hoạt động, chương trình. Trong đó, hàng năm, Sở KHCN cùng Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác truyền thông về KHCN.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về KHCN nhằm định hướng, thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST đến các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh; các quyết định, chương trình, kế hoạch phát triển KHCN và ĐMST; kết quả thực hiện công tác ứng dụng và thúc đẩy KHCN; việc huy động xã hội hóa trong hoạt động KHCN; kế hoạch triển khai chiến lược phát triển KHCN và ĐMST quốc gia; công tác chuyển đổi số của tỉnh…

Các cơ quan báo chí ở khu vực Đông Nam Bộ đã đoạt nhiều giải cao tại Giải thưởng Báo chí về KHCN năm 2023 ở các thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.

Trong đó, nhóm tác giả đến từ Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước đoạt 1 giải nhất. Các nhóm tác giả của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đoạt giải nhì. Riêng Báo Đồng Nai đoạt giải ba ở thể loại báo điện tử với tác phẩm Chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo: Trên đường băng cất cánh.

Phát huy vai trò cầu nối của báo chí

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, truyền thông KHCN và ĐMST trở thành sức mạnh và góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Theo các chuyên gia, truyền thông trở thành cầu nối hữu dụng, đưa tri thức và tiến bộ KHCN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần hình thành văn hóa ĐMST và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học, nâng cao nhận thức, tư duy về sáng tạo, khoa học.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải báo chí về KHCN năm 2023 được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ, thời gian qua, Bộ KHCN cũng như ngành KHCN luôn nhận được sự quan tâm, sát cánh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Bằng sự ghi nhận thực tế, sự dấn thân, các nhà báo đã tạo ra những tác phẩm chân thực, khách quan, phản ánh một cách toàn diện, đa chiều các lĩnh vực hoạt động KHCN và ĐMST.

Những kết quả đóng góp của KHCN và ĐMST đã đóng góp vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết các bài toán của thực tiễn cuộc sống; những tấm gương nhà khoa học tận tụy, đam mê nghiên cứu, sáng tạo; các công nghệ, kỹ thuật hiện đại được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, sản xuất, giúp giải phóng sức lao động của con người, hiện đại hóa cuộc sống của người dân…

“Các tác phẩm dự thi đã cho xã hội và cả chúng tôi thấy được nhiều góc nhìn về các hoạt động KHCN và ĐMST. Mỗi tác phẩm là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh của hoạt động KHCN và ĐMST, lan tỏa thông tin và tình yêu KHCN, sự say mê sáng tạo. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách quan trọng, sát với thực tiễn hoặc điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết thêm.

Vừa qua, Bộ KHCN tổ chức Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KHCN năm 2023. Đây là sự ghi nhận của Bộ KHCN vinh danh những tác giả là các nhà báo viết về KHCN đã nỗ lực, tìm tòi, phát hiện, phản ánh các kết quả của ngành KHCN đóng góp cho sự phát triển KHCN của đất nước. Sau hơn 10 năm triển khai tổ chức, giải thưởng ngày càng chuyên nghiệp, sức lan tỏa lớn hơn, chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng cao. Các cơ quan báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí ở khu vực Đông Nam Bộ, ngày càng quan tâm, chủ động tham gia giải thưởng.

Nhà báo Hiền Lương (Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước) chia sẻ, đây là lần thứ 2 chị tham gia và đoạt Giải thưởng Báo chí về KHCN. Lần này, chị và nhóm tác giả đoạt giải nhất thể loại phát thanh với tác phẩm Rác thải cho tiền tỷ. Nhóm tác giả đã chọn chủ đề mang tính đặc trưng, thiết thực ở địa phương để triển khai thành tác phẩm hoàn chỉnh. Theo đó, nhóm đã chọn đề tài liên quan đến cây điều, loại cây đặc trưng, thế mạnh ở Bình Phước. Được coi là “thủ phủ” hạt điều của cả nước, sản lượng điều của Bình Phước chiếm khoảng 50% sản lượng cả nước, do đó rác thải từ các loại vỏ hạt điều rất lớn. Việc tận dụng vỏ hạt điều làm chất đốt không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn mang lại nguồn lợi lớn, nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN vào sản xuất…

Hoàng Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202405/doi-moi-day-manh-truyen-thong-ve-khoa-hoc-cong-nghe-82a56f7/