Độc đáo mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ
Với sự chu đáo cùng quan niệm lâu đời, mỗi gia đình đều có những công thức riêng cho mâm cúng dịp Tết 'sâu bọ'. Dù lớn hay nhỏ, dù đơn giản hay phức tạp, mâm cúng ngày Tết Đoan ngọ cũng là dịp để đoàn tụ gia đình và mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa cổ truyền người Cao Bằng.
Cũng như bao ngày lễ khác, mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết Đoan Ngọ. Ngày nay, nhiều gia đình chuẩn bị mâm lễ chú trọng vào vẻ bề ngoài thông qua cách trang trí và sắp xếp đẹp mắt, tạo nên một không gian ấm cúng và hấp dẫn, không chỉ giữ được nét truyền thống mà còn đẹp mắt, chỉn chu, thể hiện sự toàn tâm, toàn ý của gia chủ trong mâm cúng.
Trên mâm cỗ nhất định phải có món rượu nếp. Đây là món ăn đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ với hương vị cay cay ngọt ngọt đầy cuốn hút. Bên cạnh đó là những chiếc bánh gio trong veo, dẻo thơm được tưới mật mía sóng sánh ánh vàng. Tết Đoan Ngọ cũng là thời điểm chính vụ của mận và vải. Đây là hai loại quả truyền thống thường thấy trên mâm cỗ cúng dịp này. Những quả vải chín đỏ tươi thấp thoáng lá xanh bày cùng mận căng mọng đỏ sẫm thật thích mắt.
Ngoài ra, nhiều bà nội trợ còn rất sâu sắc, kỹ tính trong cách bày biện và “tô son, điểm phấn" bữa ăn. Cũng vẫn là những loại bánh trái chuẩn bị để cúng tết Đoan Ngọ, như các loại trái cây, rượu nếp, bánh gio, xôi, trang trí thêm hoa sen, hoa cau, hoa cúc, hoa nhài, hoa lan… để mâm lễ bắt mắt hơn. Song, những sản phẩm này được đặt trên những mẹt tre, khay tre nhiều tầng. Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cùng sự sáng tạo, khéo léo, người dân Cao Bằng đã tạo ra sản phẩm mẹt được đan lát bằng tre được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng các ngày lễ, Tết truyền thống vẫn dược nhiều gia đình gìn giữ nguyên vẹn. Chị Lục Thanh Trúc (phường Hợp Giang, Thành phố) cho biết: Dù đã có mái ấm riêng, bản thân vẫn theo nếp nhà xưa, Tết Đoan Ngọ năm nào chị cũng đi chợ từ sớm tự tay chuẩn bị cho mâm cúng của gia đình. Chị Trúc chia sẻ, đồ lễ cũng chỉ đơn giản là hoa tươi và những loại trái cây theo mùa như quả vải, quả mận, quả nhãn, thêm một bát rượu nếp, vài chiếc bánh gio là đủ. Không chỉ thế, đồ lễ còn được đặt vào các mẹt tre trang trí vừa đẹp mắt nhưng vẫn rất dân giã, theo đúng tinh thần của ngày lễ truyền thống của cha ông. Sau lễ cúng, cả nhà quây quần thưởng thức những món ăn ngon. Đây là dịp cả gia đình sum họp và cầu chúc cho mọi người gặp may mắn, bình an.
Với những gia đình bận rộn, các bà, các chị thường mua đồ bán sẵn mà không cần mất quá nhiều thời gian chuẩn bị. Theo quan sát, ngay từ buổi sáng sớm, ở hầu khắp các chợ, người ta bày bán khá nhiều hoa quả, bánh gio, chè, và đặc biệt là rượu nếp để đáp ứng nhu cầu thắp hương, cúng lễ của người dân. Chợ ngày Tết Đoan Ngọ, người mua kẻ bán xôn xao, nhộn nhịp khiến cho không khí đón Tết diệt sâu bọ càng thêm rộn ràng, trở thành một nét đẹp văn hóa, nét đẹp tâm linh truyền thống tự bao đời.
Tết Đoan Ngọ xưa không quá rườm rà, cũng không quá cầu kỳ món, chỉ cần bánh trái dân dã là đủ. Người trẻ ngày nay cũng yêu ngày Tết này có lẽ bởi sự đơn giản, nhưng lại thể hiện được sự chu đáo, hấp dẫn và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ đẹp mắt. Ngày Tết Đoan Ngọ không chỉ là biểu tượng của truyền thống, mà còn là dấu ấn văn hóa được lưu giữ và kế thừa cho thế hệ sau theo năm tháng.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doc-dao-mam-cung-ngay-tet-doan-ngo-3169837.html