Doanh nhân Việt Nam: Thời cơ mới, vận hội mới
Ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và Nhân dân.
Doanh nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế
Trong gần 40 năm thực hiện chính sách Đổi mới, chuyển đổi từ mô hình kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn với tổng số vốn lên tới hàng tỷ đô-la và trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội”.
Trong vài năm gần đây, trước những biến động khó lường từ tình hình thế giới và trong nước, như dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng địa chính trị,... đã ảnh hưởng lớn tới “sức khỏe” của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã “cấp cứu” kịp thời nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Theo khảo sát nhanh gần đây cho thấy tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn rất nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhận định: Doanh nghiệp tư nhân nay đã hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt như tài chính, ngân hàng, bưu chính, hàng không, khai khoáng, sản xuất sắt, thép, luyện kim, ô tô, xe máy, sản xuất điện, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, văn hóa, y tế và giáo dục.
Đơn cử, trong ngành bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trong nước đã được phát triển mạnh mẽ. Hàng hóa thương hiệu Việt vẫn giữ vị thế vững chắc trong hệ thống bán lẻ và các siêu thị. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sản xuất đã có mặt trên hơn một trăm nền kinh tế tại cả năm lục địa, giúp nâng cao vị thế của hàng hóa “made in Việt Nam”, thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đối với ngành phần mềm, trí tuệ máy tính do các doanh nghiệp trong nước phát triển được ứng dụng tại nhiều công sở, doanh nghiệp và người dân. Một số “ông lớn” trong ngành này thậm chí còn xuất khẩu công nghệ sang một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, Việt Nam nay được biết đến không chỉ là một địa chỉ hấp dẫn hàng đầu với các nguồn FDI mà còn bắt đầu được biết đến với các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, qua các thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua lại các doanh nghiệp nước ngoài, dự án tại nước ngoài.
Việt Nam bắt đầu được biết đến là quốc gia có những tỷ phú đô-la. Sự phát triển vượt bậc này nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm khoảng ba thập niên trước đây.
“Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế, quyền lực mềm của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Thêm những chính sách hỗ trợ đặc thù để đội ngũ doanh nhân phát triển
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Hiện, Việt Nam đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại.
Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Năm 2024 chuẩn bị kết thúc và chúng ta bước sang năm cuối của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.
Đặc biệt, Việt Nam cũng có những mục tiêu xa hơn vào năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao.
Với những mục tiêu đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét một số đề xuất để nâng cao sức khỏe của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Đây là lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước.
Vì vậy, ông Thân cho rằng: Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Trong khi đó, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách nhà nước và 60% lao động.
Tuy nhiên, đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa.
“Thực tế cho thấy, hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm 4% nhưng con số này không hề nhỏ, họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp”, ông Thân cho biết.
Để gia tăng số lượng “đàn sếu” của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
Cũng theo ông Thân, hiện cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh, đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp, trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ.
Do vậy, ông Thân kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để “chính thức hóa” chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được “phải” chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
“Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam”, ông Thân chia sẻ.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nhan-viet-nam-thoi-co-moi-van-hoi-moi-post316086.html