Doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức trong tuyển dụng lao động

Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ nhân sự. Chính vì vậy, việc tuyển dụng luôn là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều thách thức để tìm kiếm và giữ chân nhân tài.

Thực trạng thị trường tuyển dụng lao động hiện nay

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động Việt Nam tính từ 15 tuổi trở lên đã đạt 52,5 triệu người vào cuối quý II năm 2024, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này đã cho thấy lực lượng lao động không ngừng gia tăng, đây là tín hiệu tích cực trong nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, nghịch lý là mặc dù nguồn lao động tìm việc dồi dào, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng ứng viên có trình độ chuyên môn cao và đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong những ngành nghề đang phát triển mạnh.

Sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng được những nhân sự có năng lực. Trên thực tế, khoảng cách giữa cung và cầu lao động về kỹ năng vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Theo nhiều cuộc khảo sát, các doanh nghiệp phản ánh rằng họ không thể tìm kiếm đủ ứng viên có trình độ chuyên môn hoặc kỹ năng cần thiết cho các vị trí kỹ thuật cao.

Lực lượng lao động trong thị trường luôn dồi dào và không ngừng tăng mạnh

Lực lượng lao động trong thị trường luôn dồi dào và không ngừng tăng mạnh

Đặc biệt, trong các lĩnh vực đang phát triển như công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tài chính, chăm sóc sức khỏe hay sản xuất công nghiệp hiện đại… nhu cầu về nhân sự có trình độ cao luôn không ngừng tăng trưởng. Chính điều này đã phản ánh xu hướng chuyển đổi số và toàn cầu hóa của nền kinh tế, đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải nắm bắt các kỹ năng mới như kỹ năng công nghệ, kỹ năng tư duy phân tích, khả năng ngoại ngữ,...

Bên cạnh đó, một số lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ cá nhân và cập nhật kiến thức mới trong một nền kinh tế không ngừng thay đổi. Việc này đã khiến họ mất đi nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao, đồng thời tạo ra sự thiếu hụt nhân sự có tay nghề trên thị trường.

Tại sao doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong tuyển dụng?

Ta có thể thấy được nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng ở bức tranh thị trường lao động toàn cầu hiện nay, bao gồm:

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng là sự thiếu hụt kỹ năng chuyên môn trong lực lượng lao động. Trong khi nền kinh tế ngày càng số hóa và yêu cầu những kỹ năng cao, nhiều lao động vẫn chưa đủ trang bị các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của công việc hiện đại. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng có nhiều ứng viên nộp hồ sơ nhưng lại thiếu hụt kỹ năng cụ thể. Việc đào tạo thêm nhân sự sau khi tuyển dụng tốn kém thời gian và nguồn lực, gây khó khăn cho quá trình vận hành.

 Thiếu hụt kỹ năng và trình độ chuyên môn

Thiếu hụt kỹ năng và trình độ chuyên môn

Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp

Cạnh tranh trên thị trường lao động không chỉ xảy ra giữa các ứng viên mà còn giữa các doanh nghiệp với nhau. Để thu hút được nhân tài, doanh nghiệp cần có những chính sách lương thưởng, phúc lợi và môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực tài chính để cạnh tranh với các công ty lớn hoặc những doanh nghiệp quốc tế có mặt tại Việt Nam. Đây cũng là một trong nguyên nhân phổ biến khiến các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

Yêu cầu quá cao từ nhà tuyển dụng

Ngoài những vấn đề trên, một số doanh nghiệp cũng đang đặt ra các tiêu chuẩn tuyển dụng quá cao, khiến nhiều ứng viên tìm việc làm không đáp ứng được. Các yêu cầu về kinh nghiệm, trình độ học vấn và khả năng đa nhiệm khiến nhiều ứng viên tiềm năng bị loại bỏ. Sự khắt khe này đã làm giảm đi số lượng ứng viên phù hợp cho vị trí mà doanh nghiệp cần.

Nhiều doanh nghiệp không nhận ra rằng, việc đào tạo và phát triển nhân tài từ bên trong đôi khi mang lại hiệu quả dài hạn hơn là chỉ tuyển dụng những ứng viên đã hoàn hảo từ đầu. Việc cởi mở hơn trong quá trình tuyển dụng có thể giúp tăng số lượng ứng viên tiềm năng.

 Yêu cầu quá cao từ nhà tuyển dụng

Yêu cầu quá cao từ nhà tuyển dụng

Thay đổi nhu cầu và tâm lý lao động

Không chỉ có doanh nghiệp gặp khó khăn, mà bản thân người lao động cũng đang thay đổi trong cách tiếp cận công việc. Sau nhiều biến động như đại dịch, suy thoái kinh tế, bão lũ,... nhiều người đã thay đổi quan điểm về công việc, không chỉ tìm kiếm thu nhập mà còn chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ phát triển bản thân.

Sự phát triển của các hình thức làm việc từ xa và linh hoạt cũng đã tác động không nhỏ đến thị trường lao động. Nhiều ứng viên có xu hướng ưu tiên công việc có tính linh hoạt cao hơn. Xu hướng này buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình làm việc và điều chỉnh chính sách tuyển dụng.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua nếu biết áp dụng những chiến lược phù hợp như xây dựng thương hiệu tuyển dụng thành công, đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực,... các doanh nghiệp sẽ thu hút và giữ chân được những nhân tài, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-van-doi-mat-voi-thach-thuc-trong-tuyen-dung-lao-dong-2033231.html