Doanh nghiệp Hà Tĩnh kỳ vọng gì từ Nghị quyết 68?
Cộng đồng doanh nhân Hà Tĩnh kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân triển khai sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo lực đẩy để doanh nghiệp (DN) tư nhân 'cất cánh'.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết 68) được ban hành với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài...

Công ty CP Dược Hà Tĩnh chi từ 40 - 50 tỷ đồng/năm đầu tư máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất.
Ông Trần Nguyễn Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Nghị quyết 68 không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ mà còn là lời khẳng định rõ ràng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân với những chính sách thực chất và mang tính cách mạng. Điểm đột phá của Nghị quyết là đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu cho từng thời kỳ, chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng quát, cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân. Đây là chủ trương đúng đắn và khi được triển khai, đi vào cuộc sống sẽ tạo nền tảng vững chắc để DN tư nhân nói chung và DN tư nhân Hà Tĩnh nói riêng tiếp tục đổi mới, khẳng định năng lực, bản lĩnh với chiến lược sản xuất – kinh doanh bài bản, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà”.
Ngay khi Nghị quyết được ban hành, cộng đồng DN Hà Tĩnh phấn khởi và kỳ vọng đây sẽ là lực đẩy để doanh nghiệp tư nhân “cất cánh”. Công ty CP Dược Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng sản phẩm đông dược và tân dược ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Mỗi năm, DN chi từ 40 - 50 tỷ đồng nâng cấp thiết bị theo hướng tự động hóa và đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất gần 20 sản phẩm mới/năm.
Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “DN phải chủ động 100% kinh phí đầu tư công nghệ, chuyển đổi số. Theo Nghị quyết 68, sẽ có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chi phí thực hiện chuyển đổi số... Chúng tôi kỳ vọng khi Nghị quyết được hiện thực hóa, DN được hỗ trợ để hiện đại hóa dây chuyền, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tăng tính cạnh tranh”.
Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, dữ liệu, dòng tiền. Đây là thay đổi thiết thực, bởi hầu hết DN tư nhân vừa và nhỏ thiếu tài sản bảo đảm nhưng lại có khả năng vận hành linh hoạt và dòng tiền ổn định. Việc tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng là yếu tố then chốt để tăng tiềm lực cho DN.
17 năm thành lập, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) đã khẳng định “tên tuổi” trong lĩnh vực xây lắp, tham gia nhiều dự án trọng điểm từ Bắc vào Nam. DN vay vốn tại nhiều ngân hàng, song một số thời điểm vẫn thiếu nguồn lực đầu tư.

Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) triển khai nhiều dự án từ Bắc vào Nam.
Theo lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Thành Huy: Doanh nghiệp Nhà nước được cấp vốn, doanh nghiệp FDI được bảo lãnh và có lãi suất thấp, trong khi DN tư nhân phải tự lo vốn với lãi suất vay cao hơn là thách thức. Công ty CP Tập đoàn Thành Huy triển khai cùng lúc nhiều dự án, nguồn vốn lớn; trong khi việc thu hồi vốn chưa kịp thời, có những công trình đã đưa vào sử dụng song chủ đầu tư chưa thanh toán nên một số thời điểm doanh nghiệp khó về dòng tiền. Nghị quyết 68 đưa ra nhóm giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận vốn, trong đó rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân; rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng… Những nội dung này triển khai sẽ "mở đường" cho DN vay vốn đầu tư”.

Doanh nhân Hà Tĩnh kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ giải quyết điểm nghẽn về tín dụng cho kinh tế tư nhân.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Giám đốc Công ty CP Cơ khí công nghiệp Đức Tài (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “DN chuyên sản xuất chi tiết máy phục vụ ngành công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp trong nước và xuất khẩu. Công ty phải thuê mặt bằng tại 2 địa điểm song vẫn chưa đủ diện tích sản xuất, nhiều lần đề nghị thuê đất song chưa được chấp thuận. Nghị quyết 68 nêu rõ các chính sách hỗ trợ đất đai với kinh tế tư nhân, chúng tôi kỳ vọng sẽ được thụ hưởng chính sách để mở rộng quy mô".
Nghị quyết 68 còn đề ra những nội dung sát thực tiễn như: đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, rõ ràng, minh bạch cho DN; có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN nhỏ và vừa 3 năm đầu thành lập… Đây là điều kiện để các DN “non trẻ” vượt thách thức, khẳng định năng lực, bản lĩnh.
Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh nhấn mạnh: Nghị quyết 68 ra đời đã thay đổi hoàn toàn tư duy của cả hệ thống chính trị đối với doanh nghiệp tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết có nhiều đột phá, thể hiện tính chi tiết và cụ thể của các giải pháp hành động. Đáng chú ý Nghị quyết phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa cá nhân và pháp nhân trong xử lý vi phạm. Đây là bước tiến lớn trong cải cách pháp lý, giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn và là điểm nhấn giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng thân thiện, hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Tĩnh: "Nghị quyết 68 ra đời đã thay đổi hoàn toàn tư duy của cả hệ thống chính trị đối với doanh nghiệp tư nhân".
Cũng theo ông Lê Đức Thắng, Hà Tĩnh hiện có hơn 6.800 DN đang hoạt động, trong đó 90% DN tư nhân, chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế nên khó tiếp cận vốn tín dụng; chất lượng nguồn nhân lực thấp, năng lực cạnh tranh, thị trường hẹp… nên hoạt động còn nhiều khó khăn. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, rõ ràng, cộng đồng doanh nhân Hà Tĩnh phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ tạo nền tảng vững chắc để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/doanh-nghiep-ha-tinh-ky-vong-gi-tu-nghi-quyet-68-post288118.html