Đoàn kết xây dựng TP. Thái Nguyên phát triển

Trên địa bàn TP. Thái Nguyên hiện có 8 dân tộc chủ yếu, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số gồm: Tày, Nùng, Sán Dìu… có khoảng 10.000 hộ, với trên 59.000 nhân khẩu.

Ông Tạ Quang Khánh (dân tộc Sán Dìu, ở tổ 5, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên) là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Tạ Quang Khánh (dân tộc Sán Dìu, ở tổ 5, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên) là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Tạ Quang Khánh, dân tộc Sán Dìu, ở tổ 5, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Tận dụng và phát huy thế mạnh của địa phương, gần 20 năm qua, gia đình ông đã gắn bó, phát triển nghề trồng và chăm sóc hoa đào. Trên toàn bộ diện tích khoảng 1.500m2, ông duy trì khoảng 500 gốc đào các loại để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, gia đình ông còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, giúp đem lại tổng thu nhập hằng năm đạt trên 400 triệu đồng.

Nhắc đến ông Lê Văn Sinh, dân tộc Sán Dìu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Liên Sơn, ở xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), người dân địa phương đều biết đến bởi đây là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Những năm qua, HTX do ông lãnh đạo đã năng động trong kinh doanh các mặt hàng vật tư, phân bón… với tổng số vốn trên 50 tỷ đồng. Năm 2022, ông đầu tư xây dựng thêm xưởng chè Liên Sơn, với quy mô rộng 450m2.

Ông Lê Văn Sinh cho biết: Thời gian qua, HTX đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành của tỉnh, thành phố từ chuyển giao khoa học đến nguồn vốn. Chúng tôi cũng vừa được TP. Thái Nguyên hỗ trợ máy sao sấy, vò chè với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Dù mới xuất hiện trên thị trường nhưng sản phẩm chè của HTX làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm 2023, HTX cung ứng ra thị trường 7 tấn chè khô, doanh thu đạt 3,7 tỷ đồng

Với bản tính cần cù chịu khó và ý chí khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều người DTTS ở TP. Thái Nguyên đã gắn bó với nghề trồng và chế biến chè - cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nổi bật trong số đó là chị Lý Thị Hương, dân tộc Nùng, Giám đốc HTX chè Hương Huệ, ở xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng.

Mỗi năm, Hợp tác xã chè Hương Huệ (ở xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên, do chị Lý Thị Hương, dân tộc Nùng, làm Giám đốc) bán ra thị trường khoảng 70 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Mỗi năm, Hợp tác xã chè Hương Huệ (ở xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên, do chị Lý Thị Hương, dân tộc Nùng, làm Giám đốc) bán ra thị trường khoảng 70 tấn chè búp khô, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Được thành lập năm 2018, HTX hiện có 8 thành viên, với tổng diện tích chè kinh doanh là 8,5ha (100% được trồng, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP), có 2 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 70 tấn chè búp khô. Doanh thu liên tục tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt gần 1 tỷ đồng, tương đương với doanh thu của cả năm 2023.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhằm phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, nhiều cộng đồng người DTTS trên địa bàn TP. Thái Nguyên cũng có cách làm hiệu quả, thiết thực. Đơn cử như tại xóm Khuôn, xã Phúc Trìu. Với đặc trưng là có trên 30% người dân tộc Sán Dìu nên từ nhiều năm nay, xóm đã thành lập đội múa Tắc xình với trên 10 thành viên; thường xuyên duy trì luyện tập 2 buổi/tháng. Vào các dịp lễ hội đầu Xuân, xóm tổ chức giao lưu văn nghệ, trong đó khuyến khích biểu diễn múa Tắc xình, giúp điệu múa được lan tỏa, lưu truyền rộng rãi.

Có thể khẳng định, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền TP. Thái Nguyên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn không ngừng được cải thiện, nâng cao. Năm 2019, toàn thành phố có 33 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đến năm 2024, có 69 người có uy tín được UBND TP. Thái Nguyên quyết định công nhận.

Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng Phòng Dân tộc TP. Thái Nguyên, cho biết: Để kịp thời động viên, khen thưởng, nhiều năm liền, UBND thành phố tổ chức cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, cán bộ thực hiện công tác dân tộc của 9 phường, xã vùng DTTS và miền núi đi thăm, gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình kinh tế giỏi để áp dụng vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các chính sách và chế độ an sinh xã hội đối với người có uy tín được thành phố thực hiện đảm bảo đúng quy định...

Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội TP Thái Nguyên đạt được thời gian qua đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc. Đó cũng chính là kết quả của sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó có sự đóng góp to lớn, tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và đồng bào các DTTS đang sinh sống và làm việc trên địa bàn. Đây là nền tảng quan trọng để TP. Thái Nguyên tiếp tục phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202406/doan-ket-xay-dung-tp-thai-nguyen-phat-trien-0d62389/