Đoàn kết, nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở bản Mạt

Trước đây, bản Mạt là bản khó khăn nhất của xã biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm của cấp ủy, Ban quản lý bản và sự đoàn kết, nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của nhân dân, đời sống của 111 hộ trong bản từng ngày thay đổi.

Nông dân bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, chăm sóc đàn gia súc.

Năm 2018, gia đình bà Lường Thị Tin vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng 2 ha sắn cao sản, 0,5 ha cà phê; nuôi 6 con trâu, bò sinh sản. Đến nay, gia đình đã phát triển đàn gia súc với 34 con trâu, bò, duy trì trồng sắn cao sản và cà phê. Bà Tin chia sẻ: Từ năm 2018 đến nay, ngoài bán gia súc thương phẩm cho các thương lái, mỗi năm gia đình còn cung cấp từ 8-10 con trâu, bò giống cho bà con; thu hoạch 18-22 tấn sắn củ tươi, 3 tấn cà phê, thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm.

Còn gia đình bà Lò Thị Hiên nuôi 16 con trâu, bò và trồng 0,5 ha cây ăn quả, gần 1 ha ngô lai, 0,5 ha lúa ruộng. Bà Hiên cho biết: Mỗi năm, gia đình thu 6-7 tấn ngô hạt, bán 5-6 con trâu, bò thịt và giống, trừ chi phí, thu trên 200 triệu đồng. Gia đình đã có của ăn của để, tu sửa nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng để phục vụ đời sống và sản xuất.

Trước đây, sản xuất của bà con trong bản chủ yếu trồng ngô, sắn giống địa phương, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2015, Chi bộ, Ban quản lý bản phối hợp với Đội sản xuất số 6, Đoàn Kinh tế quốc phòng 326, tuyên truyền, vận động nhân dân đưa cây giống, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Năm 2017, trục đường liên bản được nhà nước đầu tư rải nhựa; xây dựng điểm trường mầm non, tiểu học khang trang; được hỗ trợ gần 100 tấn xi măng cùng với nhân dân đóng góp đổ bê tông 100% các tuyến đường nội bản, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển sản phẩm nông sản.

Hiện nay, bản có trên 30 ha nhãn, xoài ghép, mận, cam; 10 ha cây cà phê, 40 ha lúa nước và trồng 104 ha thông mã vĩ; nuôi trên 900 con trâu, bò, 300 con lợn giống địa phương và trên 1.500 con gia cầm. Để phát triển chăn nuôi gia súc, bản đã cải tạo, rào chắn bãi chăn thả hơn 70 ha để tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Ngoài ra, bà con đã chuyển đổi gần 2 ha đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh; làm chuồng trại, chăn thả trên những phiêng bãi khi thời tiết thuận lợi; chống rét cho gia súc vào mùa đông; phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại định kỳ 3 lần/năm.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lò Văn Oai chia sẻ: Đến nay, bản có 40% số hộ khá, nhiều hộ có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm bản có từ 5-8 hộ thoát nghèo. Hiện nay, bản chỉ còn 7 hộ nghèo. Bà con tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc tổ chức lễ cưới đảm bảo văn minh, tiết kiệm; đám hiếu được tổ chức gọn nhẹ, đúng quy định. Bản duy trì 12 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 1 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. 100% số hộ dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình. Lớp học cắm bản từ mẫu giáo đến tiểu học, nhà văn hóa bản được xây dựng kiên cố; có sân thể thao, đáp ứng nhu cầu văn hóa của bà con.

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, cuộc sống của nhân dân bản Mạt đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn mới đang đổi thay, bà con đoàn kết, đồng lòng xây dựng bản ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/doan-ket-no-luc-chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-o-ban-mat-467T1lLIg.html