ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ

Sáng 04/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát.

Đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh phát biểu tại buổi giám sát.

Ngay sau khi Nghị quyết số 43 được ban hành, NHNN tỉnh Ninh Bình đã quán triệt, triển khai tới 100% chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Từ đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã rà soát nhu cầu vay vốn của khách hàng và tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện miễn, giảm lãi suất cho khách hàng là đối tượng đủ điều kiện.

Ước tính đến ngày 31/12/2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 51 khách hàng thuộc đối tượng, đủ tiêu chuẩn theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về "hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh" vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt 34.252 triệu đồng; số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 324 triệu đồng.

Thực hiện chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được 536.560 triệu đồng/7.218 khách hàng, đạt 100% kế hoạch. Qua đó, đã hỗ trợ kịp thời cho trên 8.000 lao động có việc làm, có thu nhập ổn định; 360 hộ gia đình có kinh phí để xây mới nhà ở; 48 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được tiếp cận với nguồn vốn vay để phục hồi, duy trì hoạt động; hơn 1.500 học sinh, sinh viên được mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến…

Cùng với đó, NHNN tỉnh Ninh Bình đã điều hành giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Riêng trong năm 2023 đã liên tục điều chỉnh 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm 1-2% so với cuối năm 2022…

Tại buổi giám sát, đại diện ngành Ngân hàng Ninh Bình kiến nghị: Kết thúc năm tài khóa 2023, đề nghị quyết toán gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại và chuyển nguồn sang Ngân hàng Chính sách xã hội để kéo dài chính sách cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội hoặc miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp và người dân…

Các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số nhóm vấn đề như: Tình hình cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; tình hình, kết quả thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 của ngành Ngân hàng Ninh Bình. Đồng thời đề nghị NHNN tỉnh tiếp tục đánh giá đầy đủ về hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết số 43; tiếp tục nghiên cứu và đơn giản thủ tục vay vốn, có thêm gói hỗ trợ lãi suất hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để hạn chế nợ xấu.

Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của ngành Ngân hàng Ninh Bình để kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=83750