Đô thị Quảng Ngãi trước năm 1945

Ngày 25/6/1934, vua Bảo Đại ra Dụ số 23, ngày 14 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 9 về việc lập trung tâm đô thị Quảng Ngãi (centre urbain de Quangngai). Đây được xem là văn bản sớm nhất về việc khai sinh ra đô thị Quảng Ngãi ngày nay.

Trung tâm Quảng Ngãi được hình thành từ năm 1807, năm tỉnh thành Quảng Ngãi được dời từ thôn Tân Quan và xã Phước Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) về xã Cù Mông (nay thuộc TP.Quảng Ngãi). Các làng này đều thuộc tổng Trung, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, dinh Quảng Ngãi. Xã Cù Mông về sau đổi thành xã Chánh Mông rồi Chánh Lộ. Năm 1876, xã Chánh Mông thuộc tổng Nghĩa Điền, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1905, xã Chánh Lộ thuộc tổng Nghĩa Điền, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Đường Citadelle (nay là đường Lê Trung Đình). Góc chụp ở ngã 4 Quang Trung - Lê Trung Đình nhìn về đông - bên phải là tam quan đình Chánh Lộ, bên trái là cột đèn chiếu sáng và bảng chỉ dẫn đường đô thị. Nguồn: Museé du quai Branly

Đô thị Quảng Ngãi được hình thành chính trên cơ sở xung quanh tòa thành Quảng Ngãi. Thành Quảng Ngãi được chuyển lên xã Cù Mông vào năm 1807 và sau đó được xây dựng theo mô thức phòng thủ Vauban, hoàn thành năm 1815. Tòa thành Quảng Ngãi dạng hình vuông, mỗi cạnh trung bình 500m, mở ba cửa Bắc, Đông và Tây. Thành hoàn toàn không mở cửa Nam dù mặt tiền thành quay về hướng Nam và lấy núi Thiên Bút làm tiền án.

Phạm vi tòa thành Quảng Ngãi ngày nay được giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Nghiêm phía nam, Nguyễn Du phía đông, Ngô Quyền phía tây và Trương Quang Trọng phía bắc. Kể cả phần hào nước và mái lũy đất bên ngoài, tổng diện tích công trình chiếm đất lên đến gần 40ha và là một trong những tòa thành tỉnh lớn nhất của cả nước. Thuở ban đầu, thành Quảng Ngãi mang tên thành dinh Quảng Ngãi (1807 - 1808), về sau đổi thành thành trấn Quảng Ngãi (1808 - 1832), thành tỉnh Quảng Ngãi (1832 - 1945). Như vậy, tên tòa thành mang tên đơn vị hành chính cấp tỉnh mà Quảng Ngãi đã trải qua, từ dinh, trấn đến tỉnh.

Qua khảo sát cho thấy khu vực tỉnh thành Quảng Ngãi thuở ban đầu chỉ có các tuyến đường: 1. Đường Thiên lý phía tây thành, nay là tuyến đường Quang Trung. Cần biết tuyến đường Thiên lý là tuyến đường lịch sử và hình thành chậm nhất từ thời nhà Lê, thậm chí có thể tận thời nhà Hồ (1402 - 1407); 2. Bốn tuyến đường bao quanh tòa thành gồm Nguyễn Nghiêm phía nam, Nguyễn Du phía đông, Ngô Quyền phía tây và Trương Quang Trọng phía bắc; 3. Tuyến đường Đông Tây xuyên qua thành, là tuyến Quảng Ngãi - Thu Xà đi về hướng đông và tuyến Quảng Ngãi - An Mỹ đi về hướng tây giáp Trường Lũy ở Thạch Nham; 4. Các tuyến đường nhỏ ngang dọc nằm kẹp giữa đường Quang Trung và Ngô Quyền ngày nay, đây chính là khu vực phố thị Quảng Ngãi được hình thành từ khi có tòa thành xây dựng kiên cố từ năm 1815; 5. Tuyến đường nối phía bắc đường Nguyễn Bá Loan đi ra bờ sông Trà Khúc và vòng lại ôm bờ sông để giáp lại phía bắc đường Nguyễn Du. Đây chỉ là hệ thống đường hết sức đơn giản nhưng là cơ bản nhất của Triều Nguyễn cho xây dựng trong lòng phố thị Quảng Ngãi.

Sau khi người Pháp thiết lập nền hành chính tại Quảng Ngãi theo hòa ước Giáp Thân (1884), tỉnh Quảng Ngãi thuộc đất bảo hộ của người Pháp tại Trung Kỳ và thậm chí cả Bắc Kỳ, hai miền đều là đất chịu sự bảo hộ người Pháp. Đến giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chính quyền tiếp tục cho xây dựng thêm một số tuyến đường chính như Phan Chu Trinh, là đường đi về Nghĩa Hành (mà nguyên trước đó đi về Nghĩa Hành theo tuyến Chánh Lộ - An Hội - nối vào đường Quang Trung ở quãng trong ngã tư Lê Lợi - Quang Trung chừng 300m); đường Phan Đình Phùng, đoạn từ Trương Quang Trọng đến giáp Hùng Vương, sau lại giáp Phan Chu Trinh; xa hơn là đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Giai đoạn này một số tuyến chính được rải đá dăm và mở rộng theo tiêu chuẩn đường đô thị, đèn đường được bố trí tại các cột đèn thắp sáng cho phố thị. Đồng thời, kèm theo các tuyến đường đô thị được xây dựng và mở rộng, các tòa công sở tiếp tục đầu tư như dinh Công sứ, Bưu điện, Trường Tiểu học Pháp Việt, Trường Tư thục Mai Xưa, Bệnh viện, Bungalow, cầu Trà Khúc... và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt đô thị Quảng Ngãi.

Đến năm 1934, chính quyền vua Bảo Đại thiết lập trung tâm đô thị Quảng Ngãi, mà người Pháp còn gọi là Ville de Quangngai, thị trấn Quảng Ngãi. Giai đoạn này, phố thị Quảng Ngãi chuyển mình phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình công cộng tiếp tục được xây dựng như cầu Trường Xuân, Ga xe lửa, Tháp nước, Nhà máy điện... Ngoài ra, để phục vụ đà phát triển mạnh mẽ tỉnh lỵ Quảng Ngãi, nhiều hãng xe đò được thành lập và khai thác vận tải trên các tuyến đường chính ở tỉnh Quảng Ngãi. Hầu hết các tuyến khai thác bắt đầu từ đô thị Quảng Ngãi, đó là các chủ hãng như Pham - Duong, Truong - Thi - Tien, Pham - Chung, Vo - Van - Hien, Nguyen - Van - Quyen, Ha - Quoi, Pham - Hang, Tran - Van - Trung... Đồng thời, với vận tải ô tô xuất hiện thì các trạm bán xăng dầu cố định và di động cũng bắt đầu phục vụ trên Quốc lộ 1 như ở Quảng Ngãi, Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức...

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân Quảng Ngãi hòa vào không khí chung cả nước vào năm 1945, xóa bỏ hai chính thể bảo hộ là đế quốc Pháp và phát xít Nhật ra khỏi Quảng Ngãi. Quân và dân Quảng Ngãi lại bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Những gì chính quyền phong kiến và bảo hộ đã làm được cho đô thị Quảng Ngãi từ năm 1945 về trước, dường như rất nhỏ bé so với quy mô ngày nay. Tuy nhiên, đó chính là những nền tảng và hạ tầng ban đầu, đưa đô thị Quảng Ngãi ngày càng mở rộng và phát triển, đặc biệt sau những năm 1990. Để đến ngày nay, đô thị TP.Quảng Ngãi đã là một đô thị loại II với hàng trăm tuyến đường, hàng vạn hộ dân sinh sống, buôn bán, sản xuất... làm nên một thành phố năng động và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

VÕ NGUYÊN PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/giao-thong-xay-dung/202405/do-thi-quang-ngai-truoc-nam-1945-fec4168/