Các phong trào đấu tranh trước khi Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước
Nhiều sĩ phu yêu nước đã trăn trở ra đi để tìm con đường cứu nước cho dân tộc nhưng cuối cùng cũng đều thất bại.
Nguyễn Tất Thành mang theo cả khát vọng về ý chí tự lực, tự cường của dân tộc trên hành trình tìm đường cứu nước
Việt Nam nửa cuối thế kỷ thứ XIX đã có khoảng thời gian dài thanh bình, đất nước hòa hiếu với Trung Quốc, với lân bang, vì vậy quân sự bị xem nhẹ. Cả xã hội say sưa với việc làm giàu, với văn chương, thi phú, với những “chi, hồ, giả, giã” để rồi không quan tâm đến đề xuất của những nhà tư tưởng thực tâm muốn canh tân đất nước theo hướng tiến bộ phương Tây. Những đề xuất về canh tân đất nước của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, v.v. đã không được chú ý lắng nghe.
Chiều 31/8/1858, liên quân Pháp và I pha nho (Tây Ban Nha) bắn vào cửa biển Đà Nẵng bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức quân dân chống Pháp, song chí khí của nhà nho đã không thắng nổi vũ khí quân thù. Ngày 10/2/1859, quân xâm lược Pháp đổi chiến thuật tiến vào cửa biển Cần Giờ. Đất Gia Định mất, quan quân triều đình đi hết thất bại này tới thất bại khác và cuối cùng là các bản hòa ước cắt đất chấp nhận cầu hòa:
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ đàn chim dáo dát bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”
(“Chạy Tây” - Nguyễn Đình Chiểu).
Trước sức mạnh áp đảo của quân thù, ngày 5/6/1862, tại Gia Định, chánh sứ và phó sứ đại diện triều đình Huế và đại diện nước Pháp, thiếu tướng Hải quân Bonard đã ký Hòa ước Nhâm Tuất. Bản hòa ước có 12 khoản, trong đó có điều khoản là “Chủ quyền trọn ba tỉnh là tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường, cũng như đảo Côn Lôn, do hiệp ước này, được hoàn toàn nhượng cho hoàng đế nước Pháp”.
Ngày 15/3/1874, đại diện triều đình nhà Nguyễn tiếp tục ký với người Pháp Hiệp ước Giáp Tuất công nhận chủ quyền của Pháp ở Nam kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cũng như tự do truyền đạo. Bằng hiệp ước này, lục tỉnh Nam kỳ đã hoàn toàn nằm trọn trong tay thực dân Pháp.
Trước tình cảnh ấy của đất nước, nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ, đã đứng lên chống lại quân xâm lược dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước. Ở miền Nam là các cuộc nổi dậy của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân, v.v..
Ở miền Trung là các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, v.v.. Ở miền Bắc là các cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Hoa Thám, v.v.. Các phong trào nhân dân chống Pháp diễn ra ở nhiều nơi với nhiều phương pháp, cách thức khác nhau và cuối cùng đều thất bại trước sự đàn áp của thực dân Pháp.
Trong bối cảnh mà “tiền đồ dân tộc đen tối như không có đường ra ấy”, các phong trào yêu nước chuyển sang xu hướng khác. Nhiều sĩ phu yêu nước đã trăn trở ra đi để tìm con đường cứu nước cho dân tộc nhưng cuối cùng cũng đều thất bại.
Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa (1907), vụ Hà thành đầu độc bị thất bại, rồi bị tàn sát (1908), cuộc biểu tình chống thuế ở miền Trung bị đàn áp (1908), khởi nghĩa Yên Thế - khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối cùng - bị bao vây và đánh phá (1909); phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật (1909), các lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Trung kỳ cũng bị tàn sát; vua Thành Thái - một nhà vua có tư tưởng thương dân, chống Pháp bị buộc phải thoái vị năm 1907 và năm 1916 cùng với vua con là Duy Tân đã bị người Pháp đày đi châu Phi.
Lịch sử đã chứng minh rằng các phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thất bại không phải do cha ông chúng ta không có lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng mà bởi vũ khí của Việt Nam khi ấy quá thô sơ, lạc hậu so với vũ khí của thực dân Pháp, song nguyên nhân chính là các phong trào yêu nước khi ấy đã không có một được một đường lối đúng đắn để quy tụ sức mạnh đại đoàn kết, để khơi mở ý chí, khát vọng của dân tộc.
Hầu hết các cuộc khởi nghĩa, các phong trào yêu nước đều diễn ra trong một phạm vi hẹp, thậm chí có những đường lối, xu hướng cứu nước khác hẳn nhau về chính kiến và con đường.