Đô thị của tương lai
Sẽ đến lúc 'đô thị sinh học' với sự trợ giúp đắc lực của AI sẽ phát triển như một sinh vật sống, biết tự điều chỉnh và thích ứng để phục vụ những cư dân đô thị Việt Nam trong tương lai.
Đô thị luôn là trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế và văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển toàn diện của vùng. Sự đa dạng của các đô thị sẽ tạo nên bức tranh “da báo” phong phú của đô thị Việt Nam.
Thuật ngữ “Văn hóa da báo” được Philippe Papin nêu ra trong cuốn “ Viet-Nam: Parcours d'une nation” đã gợi mở cho chúng tôi những suy tư về khái niệm “đô thị da báo” vì bản chất trong mỗi đô thị đều mang dấu ấn mạnh mẽ của văn hóa, địa lý môi trường, nhân chủng học, trong quá trình hình thành và phát triển.
Một đặc trưng của “đô thị da báo” là Việt Nam với 54 dân tộc anh em có những nét văn hóa bản sắc khác nhau. Sự khác biệt về văn hóa và kinh tế từ các làng nghề thủ công này sẽ tạo nên những quy hoạch và kiến trúc độc đáo, tương ứng với phong tục tập quán, địa hình địa mạo. Tuy nhiên, để bảo đảm sự hài hòa, mạng lưới đô thị cần phù hợp với “văn hóa da báo” đan xen này, luôn cần chú trọng tới việc bảo tồn các di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc đặc trưng riêng của từng vùng miền.
Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 40% vào những năm đầu thập kỷ này, tương đương với 45 triệu dân. Mục tiêu đề ra cho diện tích bình quân đầu người là 100m2/người. Nếu đạt tỷ lệ 100m2/người, Việt Nam cần có khoảng 450.000ha đất đô thị nhưng hiện nay, diện tích đất đô thị chỉ có 105.000ha, bằng 1/4 so với yêu cầu.
Đô thị hóa là tất yếu và nếu không có những nghiên cứu và giải pháp cho các đô thị thì quá trình khủng hoảng đô thị chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong 1-2 thập niên tới. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng bất động sản 2009-2014 với các lý do chủ yếu là hệ thống cơ sở hạ tầng kém, đặc biệt là giao thông kết nối giữa các đô thị hiện có và các khu đô thị mới được xây dựng ồ ạt; mất cân bằng giữa cung và cầu, cung đã vượt quá cầu; khung pháp lý và thị trường tài chính, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chưa hoàn thiện dẫn tới các thủ tục kéo dài và đã không chống cự được với cơn lũ khủng hoảng tài chính chung của thế giới.
Đô thị thông minh
Được nhìn nhận như một hướng giải pháp phát triển của tương lai, thay thế cho đô thị bê tông, đô thị xanh đặt ra mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm và tăng cường không gian xanh, nhằm xây dựng môi trường sống thân thiện với thiên nhiên. Một khái niệm kết hợp là đô thị thông minh, trong đó thông điệp “thông minh” không chỉ đơn thuần là về việc sử dụng công nghệ trong phát triển đô thị, mà còn là về cách thông tin và dữ liệu được quản lý để tối ưu hóa quyết định và cung cấp các dịch vụ công cộng hiệu quả, ít phát thải và thân thiện với con người, hệ sinh thái và môi trường.
Song song với các giải pháp phát triển, Việt Nam cần xác định tầm nhìn và các hướng đi đúng đắn trong bảo tồn. Quá trình đô thị hóa nông thôn, các chương trình nông thôn mới, một mặt mang lại cơ hội phát triển kinh tế lớn hơn, nhanh hơn cho làng bản, nhưng mặt khác lại đang phá vỡ cấu trúc làng bởi chính những bước đi thiếu cân nhắc thấu đáo về giá trị so sánh giữa kinh tế xã hội - bản sắc văn hóa - lịch sử và môi trường.
Sự phá vỡ của làng truyền thống đang diễn ra khi đô thị mở rộng và xâm lấn vào những khu vực nông thôn, tạo nên sự mất mát và pha trộn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc cũng như làm sai lệch các giá trị nhận thức được bởi cộng đồng. Di sản, trong bối cảnh phát triển đô thị, đối mặt với thách thức lớn từ sự trùng tu sai lệch với nguyên bản. Các dự án xây dựng mới thường tranh chấp không gian hoặc cảnh quan đối với các di sản văn hóa và kiến trúc truyền thống, gây ra những mất mát và tổn thất không thể phục hồi được. Sự thiếu cân nhắc và thiếu tôn trọng đối với di sản có thể dẫn đến mất mát lớn về giá trị văn hóa và lịch sử, và tiếp đó có thể dẫn xuất tới các giá trị trong giáo dục.
Do đó, để xây dựng đô thị phát triển bền vững, cần thiết phải kết hợp cả ba khái niệm trên: đô thị xanh, đô thị thông minh và bảo tồn di sản.
Đô thị sinh học
Trong tương lai, mô hình đô thị đa cực đang trở thành xu hướng quan trọng để giải quyết những vấn đề phức tạp trong phát triển đô thị. Hiện nay, mô hình đa cực đang tồn tại và được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã đạt được những thành công đáng kể. Trong số đó, các đô thị đa cực tại các thành phố lớn của Đức như Berlin, Hamburg, Munich, của Hà Lan như Amsterdam và Utrecht, hoặc ở thủ đô của Singapore đã kết hợp trọn vẹn sự phân bố không gian thông minh xen kẽ các khu vực công cộng, hệ thống giao thông thông minh và không gian sống xanh, giúp cải thiện chất lượng sống và tạo ra môi trường bền vững.
Khái niệm "Cực đô thị" với các yếu tố như cực văn hóa, cực hành chính, và cực công nghiệp, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để hạn chế các vấn nạn mà chúng ta đã đề cập, việc phân bố các cực đô thị cần được thực hiện một cách có tính toán. Đó là có những cực đô thị do tự nhiên hình thành và có những cực đô thị do lý trí áp đặt.
Khi bàn về mô hình đô thị của tương lai, có thể nhắc lại khái niệm "văn hóa da báo" ngụ ý việc phát triển và duy trì các đặc điểm văn hóa, lối sống, và nhận thức đặc trưng cho mỗi cộng đồng nhỏ hơn trong một đô thị lớn. Nhắc đến "mạng lưới đô thị da báo" của Việt Nam có nghĩa là chúng ta đang nói về việc tích hợp và tương tác giữa các khu vực đô thị với đặc trưng và văn hóa riêng biệt. Mạng lưới đô thị da báo thường gồm nhiều quận hoặc khu vực với các cộng đồng dân cư có nguồn gốc và lối sống khác nhau. Văn hóa da báo ở đây có thể đại diện cho sự đa dạng về ngôn ngữ, ẩm thực, nghệ thuật và lễ hội. Trong môi trường đô thị da báo, việc bảo tồn di sản văn hóa là quan trọng, các khu vực có lịch sử và di tích văn hóa được duy trì và phát triển để giữ cho mỗi cực đô thị giữ được bản sắc độc đáo riêng của mình, đó chính là sức hút.
Quá trình phát triển thuận theo tự nhiên, thân thiện với thiên nhiên cũng là một yếu tố tiên quyết trong phát triển đô thị. Tình trạng đô thị chết, như những khu đô thị ma, chung cư không người tại Hà Nội, là do duy lý, thậm chí duy cảm, không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và không thuận theo logic tự nhiên của sự phát triển. Việc tập trung vào một cực đô thị mà không cân nhắc và phối hợp đúng đắn với các cực đô thị khác có thể dẫn đến sự mất cân bằng và giảm sức sống của đô thị.
Đô thị tương lai của Việt Nam nên hướng tới mô hình “đô thị đa cực, với cơ cấu thông minh tự điều tiết và cân bằng. Sự kết hợp với trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường đô thị linh hoạt, phát triển và bền vững và mạng lưới đô thị da báo để bảo tồn và phát triển phần lõi lịch sử - văn hóa.
Sẽ đến lúc “đô thị sinh học” với sự trợ giúp đắc lực của AI sẽ phát triển như một sinh vật sống, biết tự điều chỉnh và thích ứng. Tất nhiên, để phục vụ chủ thể là những cư dân đô thị Việt Nam trong tương lai.
Cả nước hiện có 87 thành phố, gồm 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là TP Thủ Đức của TP.HCM cùng với 81 thành phố trực thuộc 58 tỉnh. Theo Bộ Xây dựng, mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Đến tháng 9/2022 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,5%, với 888 đô thị.
Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến - Chuyên gia Nguyễn Thị Minh Ngọc
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/do-thi-cua-tuong-lai-2242233.html