Đỗ Nguyệt Hà trên con đường sáng tạo

Báo chí khen ngợi Đỗ Nguyệt Hà là 'người đàn bà quyền lực', ví cô 'như Anna Wintour trong làng thời trang Việt'. Cô từng đạt nhiều giải như 'Sư tử trẻ' mùa đầu tiên của Vietnam Young Lions - đấu trường sáng tạo danh giá, 'Ngôi sao xanh truyền hình'… Từ năm 2010 đến nay cô là giám đốc sáng tạo của Tạp chí Đẹp. Thỉnh thoảng cô ngồi giám khảo khắt khe trong các chương trình thời trang lớn trên truyền hình như Vietnam Next Top Model...

Mới đây Nguyệt Hà vừa tham gia làm một triển lãm thơ - phong cách của 5 nhà thơ khác nhau trong seri của hãng Sun Life. Đặc biệt, trước đó cô đã từng làm giám đốc mỹ thuật trong bộ phim nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận Em và Trịnh - bộ phim về nhạc sĩ danh tiếng Trịnh Công Sơn.

Đây là phim thứ hai Nguyệt Hà tham gia với điện ảnh trong vai trò giám đốc mỹ thuật sau phim Gái già lắm chiêu 3. Qua công việc, Nguyệt Hà “phát hiện” điện ảnh là một đam mê mới của mình. Cô nói: “Với tôi, thiết kế mỹ thuật là một tổng thể sáng tạo nghệ thuật”. Sau khi Em và Trịnh bắt đầu trình chiếu, dư luận xã hội bất ngờ “dậy sóng”, nhiều ý kiến trái chiều trên truyền thông, mạng xã hội… Nhưng đó lại là bộ phim ăn khách và có doanh thu tốt.

Người khen phim đẹp, ca khúc hay, người chê Trịnh sao yếu đuối, lãng mạn chỉ là “bề nổi”. Người đòi hỏi cao hơn: Sao không phản ánh được Trịnh trải qua chiến tranh và hòa bình? Ông đã có những ca khúc như “tuyên ngôn cảm xúc” về những gì đất nước ông trải qua và cần thái độ công dân chứ đâu chỉ nhạc tình lãng mạn? Mà phim nói Em và Trịnh - nghĩa là có góc nhìn nặng về tình yêu, âm nhạc thôi!

Một cảnh phim phục dựng thời cuộc trước 1975 trong Em và Trịnh, do Đỗ Nguyệt Hà đảm trách vai trò giám đốc mỹ thuật. Ảnh: ĐP

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói trên báo: “Làm phim Trịnh Công Sơn là… lao đầu vào chỗ chết” vì mỗi người có hình ảnh riêng của mình về Trịnh Công Sơn nên người bảo giống, người bảo không giống gì cả! Đành phải theo triết lý của Trịnh: “Thôi kệ”. Dù sao thì phim cũng làm xong rồi”. Được thị trường “bàn tán nồng nhiệt” như thế coi như phim được chú ý. Ở bình diện nào đó, có thể coi như vậy là thành công.

Với vai trò giám đốc mỹ thuật, ở phim Em và Trịnh, cụ thể Nguyệt Hà đã làm gì? Câu trả lời: Cô phụ trách thiết kế ra cái thế giới mà nhân vật sống trong đó. Từ phong cảnh, trang phục, cây cối thiên nhiên, vật dụng trong nhà của Trịnh, đơn sơ nhưng trau chuốt. Cô cùng ê kíp đã đến Huế, Đà Lạt và Đồng Nai. Phải dựng căn nhà giữa đại ngàn trên B’Lao - Bảo Lộc, nơi Trịnh ở để trốn lính giữa cô độc mênh mông.

Có thể nói Nguyệt Hà và các cộng sự đã “ngược thời gian”, trở về quá khứ khổ công tìm tòi, nghiên cứu về nhân vật và những vấn đề “đại sự” như các biến cố thời đại mà ông sống trải dài 3 thập kỷ cho đến những “tiểu tiết” như nhân vật đã ép cánh hoa gì trong những bức thư tình... Nguyệt Hà cho biết cô đã kết hợp với nhà thiết kế Liên Hương tìm trang phục áo dài của Huế năm 1960 và áo bà ba loại mà mẹ của Trịnh Công Sơn mặc. Có 2 “tông màu” rõ rệt cho từng thời kỳ: những năm 1990 tông lạnh dùng kỹ thuật rất nhiều cùng trang phục, bối cảnh. Những năm 1960 thời trẻ ấm áp mơ màng…

Nguyệt Hà tâm sự: Xưa nay phim chân dung nhân vật bao giờ cũng khó, phải vượt qua được ranh giới mong manh giữa biểu tượng mà khán giả đã có với sự tự do sáng tạo của nhà làm phim để vẽ ra được chân dung điện ảnh thuyết phục. Ngay các nhà làm phim thế giới cũng phải chịu sự thử thách này.

Bộ phim là thành công của nhiều người, nhưng có ba nhân vật quan trọng ai cũng biết, đó là đạo diễn, giám đốc mỹ thuật và quay phim. Phim may mắn có một “teams work” tốt, cùng quan điểm. Với mảng mỹ thuật thì có được cùng style mong muốn chứ nếu khác biệt quá thì không làm được.

Có lẽ còn một điều nữa mà độc giả chưa biết về Nguyệt Hà: cô là “đứa con gái xinh đẹp” của kỹ sư hàng hải nổi tiếng Đỗ Thái Bình và nhà báo Tô Minh Nguyệt. Nhiều nhà báo lớn tuổi là bạn thân của bố mẹ Nguyệt Hà xếp cô cùng trang lứa với Nguyễn Phan Thùy Dương, con gái của hai cựu tổng biên tập Quang Thọ (báo Yêu Trẻ) - Hằng Nga (báo Người Lao Động)… Trong khi các nhà báo gạo cội dường như quên bẵng đi thời gian, túi bụi với công việc thì một thế hệ hiện đại con cháu đã lớn lên. Có điều đáng khen là họ đã quan tâm đầu tư để con cái được đào tạo trong môi trường tốt nhất. Đỗ Nguyệt Hà từng tốt nghiệp School of Visual Arts tại New York (Mỹ), từng thực hành tại tạp chí thời trang ở Mỹ và trở về nước trải qua công việc của ngành quảng cáo, thời trang.

Giám đốc sáng tạo Đỗ Nguyệt Hà từng đoạt giải “Sư tử trẻ” mùa đầu tiên của Vietnam Young Lions - đấu trường sáng tạo danh giá. Ảnh: TLNV

Sự trưởng thành của Đỗ Nguyệt Hà cho thấy có một lớp trẻ được đào tạo tốt, có ý chí phấn đấu và tài năng đang thành công trên nhiều lĩnh vực. Họ được rèn luyện để có khả năng chạy 4 - 5 dự án cùng lúc với áp lực rất cao nhưng vẫn giữ được cuộc sống thú vị bằng đọc nhiều, đi nhiều, xem nhiều để mở rộng tầm nhìn. Họ không thích nói “không” vì biết chắc rằng ý tưởng có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Với họ, quan trọng là cụm từ “can do” - có thể làm, không kêu ca khó khăn.

Chúng ta đang phấn đấu xây dựng đất nước, trong đó có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong sự phát triển ấy đã dần hình thành nhiều ngành nghề, công việc mà lớp trẻ yêu thích nghệ thuật mơ ước. Và Đỗ Nguyệt Hà là một trong số những tài năng nghề mới mà sự thành công của cô giúp nhiều người trẻ vững bước đi theo con đường sáng tạo mà mình yêu thích.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/do-nguyet-ha-tren-con-duong-sang-tao-40466.html