Định vị hàng hóa xứ Thanh trên thị trường (Bài cuối): Kết nối, kỳ vọng đưa sản phẩm xứ Thanh 'cất cánh'
Để đưa những sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp chất lượng tới tay người tiêu dùng, nhiều năm nay, các cấp, ngành, cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh hoạt động kết nối và xúc tiến cung - cầu. Quy mô các chương trình được tổ chức thường niên, đa dạng ở cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương, tạo cơ hội để chủ thể sản xuất, phân phối, tiêu thụ gặp gỡ, giao lưu, chuyển giao công nghệ sản xuất; đồng thời xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước đưa sản phẩm hàng hóa xứ Thanh thiết lập kênh phân phối rộng rãi hơn.
Cơ hội gặp gỡ của những “chủ thể” uy tín
Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Sao Mai (TP Thanh Hóa) hoạt động trên lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thực phẩm cao cấp. Sản phẩm của doanh nghiệp (DN) là các loại trái cây, gia vị Việt Nam tới nhiều thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Khách hàng của DN là các khách sạn, chuỗi nhà hàng, chuỗi siêu thị, các nhà phân phối trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Thị Mai, giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi tham gia rất nhiều các chương trình, hội nghị kết nối khi có cơ hội. Bởi, thông qua các chương trình do cơ quan chủ quản Nhà nước đứng ra tổ chức, tất cả các DN, HTX, cơ sở sản xuất đều đã được qua vòng “sơ tuyển”, có uy tín cả về chất lượng hàng hóa cũng như phương thức giao dịch. Điển hình như tại Hội nghị kết nối kinh doanh giữa DN hai tỉnh Thanh Hóa và Niigata (Nhật Bản) diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, công ty chúng tôi đã giới thiệu và bày tỏ nhu cầu tìm kiếm các nhà phân phối sản phẩm thịt bò Wagyu ủ trong tuyết, mặt hàng trà, nước tương và dứa đóng hộp. Tuy chưa có ngay các hợp đồng trong một buổi gặp gỡ ngắn ngủi, nhưng đây là cơ hội lớn để chúng tôi có thể đi tới các kết nối, tìm hiểu, đàm phán sâu hơn sau hội nghị với các đối tác quan tâm”.
Theo lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh, ngoài các sản phẩm truyền thống đang xuất khẩu thành công như: May mặc, giày da, thủy - hải sản đông lạnh, đá ốp lát..., thì ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp còn hàng trăm sản phẩm đặc thù và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thảm cói, chiếu cói; các sản phẩm dược liệu như: đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến... Việc tổ chức các chương trình kết nối sẽ thúc đẩy các hoạt động gặp gỡ, chuyển giao công nghệ sản xuất cũng như tìm kiếm xuất nhập khẩu cho các bên.
Cũng theo Hiệp hội DN tỉnh, trong 2 năm 2022, 2023 vừa qua, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao, hiệp hội đã tổ chức thành công 6 đoàn xúc tiến thương mại tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Qua các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư thương mại, các DN trong tỉnh không những được học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận công nghệ tiên tiến, mà còn là dịp để Thanh Hóa thu hút các nguồn vốn đầu tư và phát triển mạnh mẽ các kênh hợp tác, phân phối hàng hóa mới. Đặc biệt, sau các chương trình này, nhiều DN vui mừng vì sản phẩm sản xuất tại Thanh Hóa đã được lan tỏa, đón nhận mạnh mẽ tại thị trường các tỉnh bạn, được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và khả năng cạnh tranh lớn.
Ở quy mô trong tỉnh, các chương trình kết nối trong nước, trong vùng, trong tỉnh cũng được tổ chức khá đa dạng. Điển hình như tại Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024, Chợ OCOP và ẩm thực xứ Thanh năm 2024 thu hút hàng trăm gian hàng của DN, HTX, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Huynh, cơ sở sản xuất chè lam Huỳnh Dung (Thiệu Hóa), chia sẻ: “Từ khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, cơ sở chúng tôi được địa phương giới thiệu tham gia nhiều chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại. Tại các chương trình này, rất nhiều khách hàng lần đầu tiên biết đến sản phẩm nhưng sau khi “thưởng thức” thử đã đặt mua nhiều để làm quà biếu. Chúng tôi mong muốn sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm quy mô rộng hơn để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng các tỉnh, thành khác trên cả nước”.
Hướng tới hình thành chuỗi cung ứng chất lượng
Được biết, để thúc đẩy các hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình trọng tâm, thiết thực. Điển hình như UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng biển Nghi Sơn; phê duyệt Đề án “Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến nhằm thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng hóa xuất xứ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa”; ban hành các kế hoạch tổ chức Phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn năm 2023, tại các huyện; tổ chức thí điểm “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025...
Sở Công Thương cũng đã tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh, như: Hội thảo liên kết vùng Đồng bằng Sông Hồng do Bộ Công Thương tổ chức; hỗ trợ cho các DN, HTX tham gia 10 hội chợ tại các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Năm 2024, sở cũng đã hỗ trợ các DN tham gia Hội chợ Công thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên năm 2024; Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024 tại Hà Nội và sẽ tiếp tục thực hiện với một số hội chợ tại các tỉnh được triển khai từ nay đến cuối năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa hàng năm; tổ chức thành công các phiên chợ giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng chương trình hợp tác lĩnh vực nông nghiệp với 5 tỉnh, thành; tham mưu cho UBND tỉnh chương trình hợp tác nông nghiệp với các nước (Nhật Bản; Thái Lan, Hàn Quốc, Lào,... nhằm đẩy mạnh tiếp cận công nghệ cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã hỗ trợ, tổ chức cho các DN tham gia thành công Hội chợ Thương mại Quốc tế lần thứ 32 - VIETNAM EXPO 2023 tại Hà Nội; Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng; Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trung tâm đã hỗ trợ cho các DN tham gia 18 hội chợ triển lãm, phiên chợ do các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức để kết nối tiêu thụ, quảng bá nông sản thực phẩm của Thanh Hóa đến các tỉnh, thành nhằm mở rộng thị trường...
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, công tác kết nối sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa sẽ còn tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. Việc này nhằm trang bị thêm kinh nghiệm sản xuất, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh cũng như góp phần hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ chất lượng; nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp - nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị. Điển hình như Hội nghị kết nối DN sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2024 được tổ chức dịp này sẽ tăng cường hợp tác xúc tiến, kết nối giữa DN sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc... Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến cung ứng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, sự kiện kỳ vọng sẽ hình thành kênh trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, DN sản xuất, DN xuất nhập khẩu với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng; tạo điều kiện giao lưu, tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa.