Điều tra doanh nghiệp 2023: Đo lường 'sức khỏe' sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 được ngành Thống kê triển khai từ ngày 1-4. Các doanh nghiệp có nhiệm vụ cung cấp thông tin cần thiết như, hoạt động sản xuất kinh doanh, sản lượng, doanh thu, lao động việc làm... Thông tin của cuộc điều tra sẽ giúp ngành chuyên môn 'chẩn đoán' chính xác nhất thực trạng, tình hình 'sức khỏe' hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 là một cuộc điều tra có ý nghĩa rất quan trọng với ngành Thống kê, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách. Điều tra được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các thông tin thu thập của cuộc điều tra này bao trùm toàn bộ các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các chi nhánh hạch toán độc lập trực thuộc doanh nghiệp.

Cán bộ Cục Thống kê tỉnh kiểm tra phiếu điều tra doanh nghiệp trên Web.

Đồng chí Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng cục Thống kê tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 2.407 doanh nghiệp, hợp tác xã nằm trong diện thực hiện điều tra, trong đó thực hiện điều tra phiếu mẫu là 599 doanh nghiệp, hợp tác xã; điều tra phiếu toàn bộ là 1.808 doanh nghiệp, hợp tác xã. Phương thức điều tra được thực hiện trực tuyến qua Web, các doanh nghiệp sẽ truy cập vào trang Web https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn theo tài khoản là mã số thuế của doanh nghiệp cùng mật khẩu sẽ được điều tra viên ngành Thống kê cung cấp để thực hiện việc kê khai thông tin. Các thông tin của doanh nghiệp cung cấp sẽ được bảo mật tuyệt đối theo Luật Thống kê, cơ quan Thống kê chỉ sử dụng cho việc tổng hợp dữ liệu và thực hiện các báo cáo phục vụ quản lý điều hành. Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ có thể liên hệ với điều tra viên phụ trách để nhận được sự hướng dẫn trong quá trình kê khai thông tin trên phiếu điều tra nhằm giảm thiểu những sai sót, tạo thuận lợi cho công tác điền phiếu điều tra.

Thời điểm này, anh Bàn Bùi Việt, Giám đốc Dự án Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang bận bịu hơn, ngoài việc chuyên môn anh phải phụ trách việc kê khai các thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh vào phiếu điều tra trên wedfrom của ngành Thống kê. Anh Việt cho biết, các thông tin quan trọng như sản lượng, doanh thu, lao động, nộp ngân sách... công ty kê khai đúng, đủ theo đúng yêu cầu của phiếu điều tra. Anh Việt chia sẻ, năm 2022, mặc dù tác động xấu từ đại dịch bệnh Covid-19, song hoạt động sản xuất của công ty vẫn đạt con số khá ấn tượng, sản lượng năm 2022 của công ty đạt trên 38.714 m3 sản phẩm các loại, doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 47 tỷ đồng. Năm 2023, công ty thực hiện đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, thay vì chỉ tập trung cho xuất khẩu mà chú trọng cả thị trường trong nước, với các sản phẩm đồ gỗ nội thất cao cấp. Dự tính năm 2023 doanh thu của công ty sẽ tăng cao hơn nữa. Sản xuất phát triển ổn định, Công ty cổ phần Woodsland tạo việc làm ổn định cho 2.500 lao động địa phương, với thu nhập từ 6 - 10 triệu/tháng.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Tuyên Yên, xã Kim Quan (Yên Sơn) không được như ý, song không vì thế mà công ty thực hiện kê khai qua loa. Chị Đỗ Thanh Trà, kế toán công ty cho biết, với ngành nghề hoạt động xây lắp công trình, kinh doanh nông, lâm sản và chăn nuôi. Nếu như trước thời điểm tháng 12-2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty tương đối ổn định thì từ năm 2022 trở đi do tác động của thị trường, các ngành nghề sản xuất kinh doanh của công ty đều bị ảnh hưởng. Chỉ riêng trong lĩnh vực chăn nuôi hiện công ty thu không đủ bù chi, bởi giá con giống, thức ăn, thuốc thú y, thuê nhân công đang rất cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi lại liên tục sụt giảm. Hiện tại giá lợn hơi đang ở mức 47 - 48 nghìn đồng/kg, với giá này chăn nuôi lỗ từ 180 - 200 nghìn đồng/con. Chị Trà khẳng định, thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh như nào, công ty kê đúng, chính xác, cụ thể từng mục.

Các công ty may trên địa bàn tỉnh đang rất cần lao động, đây là cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập.

Tổng hợp của Cục Thống kê tỉnh, tính đến ngày 20-4, có gần 500 doanh nghiệp kê khai các thông tin theo phiếu điều tra của ngành, đạt khoảng 40% tổng số doanh nghiệp nằm trong diện điều tra. Đánh giá sơ bộ thông qua các phiếu điều tra của các doanh nghiệp kê khai, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn có sự tăng trưởng khá, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp. Tuyên Quang đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, với 18%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022 như: thép tăng 105%, giấy in viết tăng 23,7%, gỗ tinh chế tăng 15%... Qua đây cũng cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Bên cạnh kết quả đạt được, qua các phiếu điều tra cũng cho thấy một số doanh nghiệp gặp khó do tình trạng thiếu lao động như các doanh nghiệp may mặc, giày da xuất khẩu...

Đồng chí Phạm Hùng Sơn, Cục trưởng cục Thống kê tỉnh cho rằng, cuộc điều tra mới hoàn thành 50% kế hoạch, dự tính kết thúc vào 30-5. Mỗi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia kê khai cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Bởi số liệu thống kê có đầy đủ, chính xác sẽ là cơ sở để tỉnh, Chính phủ ban hành chính sách, định hướng phù hợp với tình hình, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển ổn định nhất.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/dieu-tra-doanh-nghiep-2023-do-luong-suc-khoe-san-xuat-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-173582.html