Điều kiện cần để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất
Dù nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất không quá lớn nhưng đây lại là điều kiện 'cần', giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Cú huých cho cơ sở công nghiệp nông thôn
Năm 2023, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 31 đề án mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ 1 đề án nhóm cho 4 cơ sở, hộ kinh doanh mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí hỗ trợ 556 triệu đồng. Cùng với đó, hỗ trợ 6 đơn vị thuê tư vấn lĩnh vực marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; hỗ trợ đầu tư một phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh… Trung tâm cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu cho 125 học viên tại các làng nghề...
Năm 2024, Trung tâm tiếp tục được tỉnh phê duyệt triển khai Chương trình khuyến công với tổng nguồn vốn 6,8 tỷ đồng. Mục tiêu đến hết năm 2024, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất cho 32 đơn vị.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã ký hợp đồng với 11 cơ sở công nghiệp nông thôn hỗ trợ kinh phí đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,7 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền về chính sách khuyến công; tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ kinh phí đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Việc triển khai hiệu quả chính sách khuyến công đã góp phần giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đại diện Công ty TNHH HTH Vĩnh Phúc chia sẻ, việc đầu tư máy cắt LASER FM3015 và máy chấn tôn thủy lực với sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hệ thống thiết bị hiện có, doanh nghiệp có điều kiện tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nhân công lao động. Hơn nữa, mẫu mã sản phẩm cũng được cải tiến theo hướng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Kịp thời gỡ khó khăn
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế, hầu hết cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ trình độ quản lý còn hạn chế. Nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ, dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị chưa được hiệu quả. Năng lực xây dựng hồ sơ đề án, khả năng nắm bắt thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn hạn chế...
Với mong muốn chương trình khuyến công đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công. Tạo sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu.
Đồng thời, nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn.
Ngành Công Thương Vĩnh Phúc cũng sẽ huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất; áp dụng sản xuất sạch hơn. Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Nắm bắt nhu cầu hỗ trợ để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp với quy định, sát với thực tiễn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trung tâm Công Thương Vĩnh Phúc đề xuất Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản, chính sách khuyến công; đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải tiến phương thức giao kế hoạch khuyến công, tạo thuận lợi cho các cơ sở đăng ký các đề án kế hoạch khuyến công quốc gia; tăng cường đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm khuyến công từ tỉnh xuống đến cơ sở...