Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường ĐT 719B
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 18 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XI đã thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.
Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT 719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 06/NQ – HĐND/2020. Quy mô đầu tư dự án gồm tuyến đường giao thông dài 25, 606 km, điểm đầu km 1750 + 500 bên trái QL 1A, điểm cuối km 28 +534 đường ĐT 719; chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m, lề đường mỗi bên 0,5 m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa; kết cấu lề đường và dải phân cách giữa là đất đắp; 2 cầu bê tông cốt thép; nút giao, đường giao, tường chắn, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước… Tổng mức đầu tư dự án 999,431 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và nguồn thu từ khai thác quỹ đất 2 bên đường trục ven biển ĐT 719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà.
Trong quá trình triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công dự án đã phát sinh những vướng mắc: về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng diện tích thu hồi đất của dự án là 146,4 ha/ 324 hồ sơ. Đến nay đã bàn giao mặt bằng thi công 19,94/25,61 km, đạt 77,9%; hiện dự án còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 5,67 km (trong đó đoạn tuyến qua khu vực của Công ty Tân Quang Cường là 3,95 km; phần vướng mặt bằng ngoài ranh dự án titan Tân Quang Cường 1,72 km. Tính đến tháng 7/2023, chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được các địa phương phê duyệt là 266,331 tỷ đồng; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật 11,76 tỷ đồng. Về tiến độ triển khai thi công công trình, hiện dự án đã thi công thảm bê tông nhựa trên tuyến dài 17,23 km/25,6 km; đã thi công hoàn thành cầu Suối Nhum, cầu Máng và đang triển khai các đoạn đã bàn giao mặt bằng thi công.
Qua triển khai thi công có phát sinh, xử lý kỹ thuật một số hạng mục công trình như dịch chuyển vị trí cống trên tuyến, bổ sung tường chắn, gia cố lề, thay đổi biện pháp thi công cầu… và đã được chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh thiết kế, dự toán. Từ những phát sinh trên và biến động lớn về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá nhiên vật liệu, nhân công, ca máy tăng so với thời điểm được phê duyệt dự án (giá nhiên liệu tăng trung bình 101%, vật liệu tăng 49%, nhân công, ca máy tăng 42%) nên làm tăng tổng mức đầu tư từ 999,431 tỷ đồng lên 1.274, 317 tỷ đồng, tăng 274, 886 tỷ đồng. Trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng 122,868 tỷ đồng, chi phí xây dựng tăng 145,468 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn xây dựng và chi phí khác tăng 5,92 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng 630 triệu đồng.
Như vậy sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả và đảm bảo yêu cầu khi đưa vào khai thác, sử dụng; phù hợp với Khoản 5, điều 143 của Luật Đầu tư công và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tại kết luận số 939 –KL/TU, ngày 26/10/2023.
Về nguồn vốn và mức vốn đầu tư, lũy kế bố trí ngân sách trung ương 799 tỷ đồng, đạt 100%, nguồn vốn ngân sách tỉnh 185,326 tỷ đồng (tiếp tục cân đối bổ sung 15,105 tỷ đồng). Đối với nguồn vốn còn thiếu (274,886 tỷ đồng) so với tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án, UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét bổ sung từ nguồn vốn dự phòng và vượt thu ngân sách tỉnh trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo tiến độ triển khai thi công của dự án, sau khi chủ trương điều chỉnh dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.