Diện tích đất hạn hẹp, Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh số lượng tầng/trường học
Chính phủ cần chỉ đạo, cho phép các trường Sư phạm sớm mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp và các môn học mới theo chương trình mới.
Đó là một trong những nội dung mà Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng kiến nghị, đề xuất trong báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Bốn vướng mắc chính
Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, qua thực giám sát, thấy rằng trong quá trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai chương trình.
Thứ nhất, do thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và chương trình quy định số tiết theo năm học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong quá trình dạy học.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các cán bộ quản lý, giáo viên trong khi một số giáo viên còn ngại đổi mới, tiếp cận và thực hiện phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực chưa hiệu quả.
Chưa mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, có sự điểu chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Thứ hai, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện đồng thời với Luật Giáo dục năm 2019 về đào tạo chuẩn trình độ cho giáo viên nên cũng ảnh hưởng đến thời gian của một số giáo viên vì vừa phải đi dạy vừa phải đi học.
Bên cạnh đó còn một bộ phận giáo viên của các trường phổ thông chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để phục vụ cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, việc tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà các mô đun về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm và do dịch Covid-19 phải bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả bồi dưỡng.
Môn Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở chưa có giáo viên đủ trình độ chuyên môn để dạy cả ba phân môn nên nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, lúng túng khi phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu;
Khó khăn liên quan đến công tác đề xuất lựa chọn sách giáo khoa môn Âm nhạc, Mĩ thuật cấp trung học phổ thông.
Thứ tư, đối với cấp Tiểu học, toàn thành phố còn nhiều điểm trường lẻ (48 điểm trường lẻ), một số trường có từ 3 đến 5 điểm trường (Tiểu học Hòa Bắc, Tiểu học Hòa Phú, Tiểu học Số 2 Hòa Tiến, Tiểu học An Phước, huyện Hòa Vang và Tiểu học Trần Cao Vân của quận Thanh Khê), còn khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ, Tin học;
Tỉ lệ học sinh trên lớp ở một số cơ sở giáo dục còn cao so với sĩ số quy định cũng là một thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sớm mở mã ngành đào tạo giáo viên tích hợp
Qua giám sát, xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc của các trường học, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã có những kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Cụ thể: đối với Chính phủ, cần có những chính sách tài chính để vừa khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, vừa giảm giá thành một cách hợp lý để bảo đảm bảo quyền lợi cho người học.
Cần chỉ đạo, cho phép các trường sư phạm sớm mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp và các môn học mới theo Chương trình mới (môn học trải nghiệm hướng nghiệp).
Quan tâm để ngành giáo dục không phải thực hiện đề án tinh giản biên chế 10%.
Đối với bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan: Theo quy định, công trình trường mầm non, tiểu học không quá 03 tầng, trường trung học không quá 4 tầng, mật độ xây dựng cần phải tuân thủ theo quy định.
Trong khi diện tích đất ở các khu vực trung tâm thành phố rất hạn hẹp khiến việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn.
Đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét có hướng tháo gỡ, nghiên cứu điều chỉnh việc áp dụng Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT cho các thành phố lớn, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn, đảm bảo tính cạnh tranh kể cả về chất lượng, nội dung, giá cả và các học liệu kèm theo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở trong việc thực hiện hợp đồng thuê mướn giáo viên, trang thiết bị dạy học (nhất là các môn học kỹ năng (tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học...).
Các ngành liên quan rà soát, giảm bớt chi phí in ấn, đồng thời tăng cường công nghệ thông tin để cắt giảm các khâu trung gian trong quản lý, vận chuyển, phát hành sách giáo khoa; minh bạch quy trình chọn sách.
Tách bạch giữa sách giáo khoa với các loại sách tham khảo để người học có sự lựa chọn thích hợp.
Nhanh chóng xây dựng bộ ma trận để triển khai công tác đánh giá học sinh, việc đánh giá chất lượng học sinh chưa logic với thực tế và quá khác biệt với công tác kiểm tra đánh giá hiện nay nên dễ gây bức xúc trong xã hội và tạo dư luận trong phụ huynh học sinh.
Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng: Cần ưu tiên bố trí đủ nguồn lực và các điều kiện bảo đảm để triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13.
Nhất là trong cân đối, bố trí các nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu và xây dựng kế hoạch đầu tư, đáp ứng yêu cầu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát thực trạng nhu cầu biên chế phục vụ cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Rà soát, điều chuyển biên chế thừa, thiếu cục bộ giữa các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, đảm bảo đủ giáo viên theo quy định chương trình giáo dục phổ thông mới (giáo viên nhiều môn và từng môn);
Báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung biên chế để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hỗ trợ kinh phí để ngành giáo dục các địa phương có thể chủ động mời chuyên gia, giảng viên tại các trường sư phạm về giảng, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn (theo đơn vị quận, huyện).
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc... và kế hoạch chuẩn hóa giáo viên theo Luật giáo dục 2018.