Điện gió ngoài khơi, điện khí LNG: Được quan tâm nhiều, nhưng vẫn bế tắc

'Nhiệm vụ nặng nề, thời gian gấp, thiếu cơ chế thực thi, tiềm ẩn rủi ro cao' là những đánh giá được đưa ra mới đây về các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi.

Bộ Công thương tích cực tìm giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi

Liên tục tìm giải pháp

Theo đánh giá của Bộ Công thương, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Quy hoạch Điện VIII cũng đặt kế hoạch, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.

Việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi cũng sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hòa carbon đến năm 2050. Đó là chưa kể các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định, sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Do tầm quan trọng của các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, nên Bộ Công thương đã không ngừng tìm giải pháp thúc đẩy triển khai các dự án này. Đơn cử, ngày 25/12/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có cuộc họp liên quan đến Chiến lược Sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi với sự tham gia của một số cơ quan của Quốc hội cùng nhiều bộ, ngành, chuyên gia và các doanh nghiệp liên quan.

Trước đó, ngày 15/12/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì một cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án điện khí (khí khai thác trong nước và LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII. Cuộc họp này cũng có sự tham gia của một số ban của Quốc hội, các bộ, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp liên quan.

Riêng về điện khí LNG, Bộ trưởng Bộ Công thương còn có thêm ít nhất 2 cuộc họp khác với các địa phương có dự án vào ngày 24/6/2023 và 9/8/2023.

Với nhiều cuộc họp như vậy, Bộ Công thương đã xác định được những thách thức trong quá trình triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, điện khí LNG. Cụ thể, các dự án điện khí LNG có 3 vướng mắc gồm bao tiêu sản lượng khí tối thiểu, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện, cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Còn đối với dự án điện gió ngoài khơi, có 4 vướng mắc là cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, đến nay, Quy hoạch Không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch điện lực; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Cần cơ chế đặc thù

Cục Điện lực (Bộ Công thương) cho hay, thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư; lập, phê duyệt FS; đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện khoảng 6-8 năm kể từ lúc khảo sát.

Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Vẫn theo nhận định của Bộ Công thương, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi cần kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết đặc thù để triển khai đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch Điện VIII. Riêng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, hiện chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện..., khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện… Tất cả vướng mắc trên có nguy cơ làm chậm tiến độ của các dự án điện khí.

Đó là chưa kể các kho cảng khác, bao gồm một số cảng nhập được quy hoạch tích hợp trong các dự án nhiệt điện LNG, đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kể cả các vấn đề về điều kiện kỹ thuật và các quy định có liên quan.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), do tương đồng với các hoạt động dầu khí ngoài khơi, nên điện gió ngoài khơi được các nước trên thế giới gắn với hoạt động của dầu khí ngoài khơi như khảo sát đáy biển, điều tra... và điều này PVN hoàn toàn làm được. “Vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt”, ông Hùng nói.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dien-gio-ngoai-khoi-dien-khi-lng-duoc-quan-tam-nhieu-nhung-van-be-tac-d206103.html