Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Các cổ phiếu được khuyến nghị trong tuần qua đã có diễn biến không mấy khả quan. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PVT và PVB, VCI khuyến nghị mua PVS

* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PVT và PVB, VCI khuyến nghị mua PVS

BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT với giá trị hợp lý cho năm 2024 là 34.300 đồng/cổ phiếu (upside +18% so với giá đóng cửa tại ngày 22/05/2024) với EV/EBITDA mục tiêu = 4.8 lần – cao hơn so với trung vị giai đoạn tương tự năm 2022 - 2023 là = 3.9x lần và cao hơn so với trung vị ngành hiện tại = 3.0x lần.

Đồng thời, BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVB với giá mục tiêu lần đầu là 38.700 đồng/CP dựa trên phương pháp P/E. BSC cho rằng PVB là cổ phiếu tiềm năng với kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng đột phát trong năm giai đoạn 2024 – 2026 trong khi tình hình tài chính lành mạnh (22% tài sản là tiền và tương đương tiền, gần như không nợ vay ngân hàng).

Trong khi đó, VCI nâng giá mục tiêu cho PVS thêm 4% lên 50.400 đồng/cổ phiếu và giữ nguyên khuyến nghị mua. Giá mục tiêu cao hơn do chúng tôi tăng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 thêm 3,5% và tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2025.

Mặc dù được đánh giá triển vọng khá sáng nhưng cả 3 cổ phiếu họ P đều diễn biến không được như kỳ vọng bởi áp lực bán gia tăng sau tuần tăng mạnh và xác lập đỉnh mới trong tuần trước. Trong đó, cổ phiếu PVT đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PVT giảm nhẹ 350 đồng (-1,18%) từ mức 29.650 đồng/CP xuống 29.300 đồng/CP.

Cổ phiếu PVB thiếu khả quan hơn khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu PVB giảm 600 đồng (-1,97%) từ mức 30.500 đồng/CP xuống 29.900 đồng/CP.

Tại PVS, dù doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý I/2024 khả quan với lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng gần 34%, nhưng diễn biến cổ phiếu không nằm ngoài xu hướng các mã P. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PVS giảm 1.600 đồng (-3,52%) từ mức 45.500 đồng/CP xuống 43.900 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu MBB, KBSV khuyến nghị mua VPB

VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2024 của MBB đạt 31.156 tỷ đồng (tăng 18,4% so với năm ngoái), tương đương EPS đạt 4.708 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 21.542 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB với mức giá hợp lý là 28.571 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp định giá So sánh P/B và Residual Income với mức định giá P/B 1,3x.

Trong khi đó, dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB, giá mục tiêu cho năm 2024 là 26.000 đồng/CP.

Trong tuần giao dịch sôi động với dòng tiền luân chuyển khá nhanh qua nhiều nhóm ngành thì ngân hàng lại “lỗi nhịp” khi hầu hết đều chỉ biến động lình xình, ngoại trừ một số điểm sáng lẻ loi do nhận được thông tin hỗ trợ. Cổ phiếu MBB và VPB là 2 mã không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường và cả dòng bank.

Trong đó, cổ phiếu MBB đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu này đã giảm 800 đồng (-3,44%) từ mức 23.250 đồng/CP xuống 22.450 đồng/CP.

Còn tại VPB, tuần qua VPBank đã thực hiện chốt danh sách cổ phiếu để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và diễn biến cổ phiếu này cũng trong xu hướng điều chỉnh giảm. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu VPB giảm 2,28%, đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 18.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua mạnh đối với cổ phiếu MSN và nâng giá trị hợp lý trung hạn là 100.000 đồng/CP (Upside 32% so với giá đóng cửa ngày 21/5/2024), nhằm phản ánh kỳ vọng hướng.

Không được như kỳ vọng của BSC, sau tuần tăng mạnh trước đó, cổ phiếu MSN đã đảo chiều giảm trong tuần qua vừa. Cụ thể, với việc đón nhận với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MSN giảm 2.000 đồng (-2,65%) từ mức 75.500 đồng/CP xuống 73.500 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của MWG với doanh thu thuần đạt 132.866 tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 3.679 tỷ đồng (tăng trưởng 2.095%). Với triển vọng tích cực khi chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh tiếp tục tăng tốc và chuỗi Bách hóa xanh bắt đầu sinh lời. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 69.000 đồng/CP.

Thông tin đáng chú ý tại MWG là Công ty công bố việc hủy toàn bộ số cổ phiếu quỹ và giảm vốn điều lệ từ gần 14.634 tỷ đồng xuống còn 14.622 tỷ đồng. Về diễn biến cổ phiếu, mặc dù duy trì chuỗi phiên tăng liên tiếp và đã xác nhận đỉnh mới của năm, nhưng cổ phiếu MWG đã không giữ được phong độ khi không thoát khỏi “trận bão” ngày 24/5. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng nhẹ 900 đồng (+1,51%) từ mức 59.600 đồng/CP lên 60.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu KBC

Chúng tôi khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu KBC với định giá là 39.200 đồng/CP dựa trên phương pháp SOTP. Luận điểm đầu tư: (1) Triển vọng ngành bất động sản KCN khởi sắc khi thu hút FDI sẽ tích cực hơn sau khi Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc (2) Quỹ đất thương phẩm còn lại lớn đảm bảo phát triển dài hạn (3) Dự án Tràng Duệ 3 và Tràng Cát đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào kinh doanh (4) Tình hình tài chính lành mạnh hơn sau khi thanh toán hết trái phiếu trước hạn.

Sau hơn 1 tuần giao dịch khởi sắc, cổ phiếu KBC đã gặp áp lực chốt lời và đã có những phiên tăng giảm xen kẽ trong tuần qua. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu KBC tăng nhẹ 50 đồng (+0,16%) từ mức 30.800 đồng/CP lên 30.850 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu IJC

BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với IJC cho giá mục tiêu mới là 18.500 đồng/CP. Thời gian nắm giữ trong 6–12 tháng. Rủi ro: thị trường bất động sản phục hồi kéo dài hơn so với kỳ vọng.

Cổ phiếu IJC đã có phiên giao dịch bùng nổ ngày đầu tuần 20/5, nhưng sau đó đã gặp áp lực bán chốt lời khiến cổ phiếu này trở nên rung lắc và điều chỉnh. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 2 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu IJC chỉ tăng nhẹ 100 đồng (+0,69%) từ mức 14.500 đồng/CP lên 14.600 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua với cổ phiếu PC1 của CTCP Tập đoàn PC1, giá mục tiêu năm 2024 là 35.300 đồng/CP (upside 25% so với giá đóng cửa ngày 20/05/2024) dựa trên phương pháp định giá từng mảng kinh doanh của công ty.

Cổ phiếu PC1 đã có tuần giao dịch sôi động, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày 23/5, tuy nhiên, diễn biến giá chỉ tăng nhẹ do áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên cuối tuần khiến mã này hạ độ cao. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tổng cộng giá cổ phiếu PC1 tăng 700 đồng (+2,53%) từ mức 27.700 đồng/CP lên 28.400 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NLG

Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2024 kém khả quan khi ghi nhận mức lỗ ròng 75 tỷ đồng, nhưng BSC cho rằng kết quả kinh doanh đã tạo đáy trong quý I/2024 và duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, đồng thời nâng 14,8% giá mục tiêu từ 44.700 đồng/CP lên 51.300 đồng/CP (upside 16,6%) sau khi điều chỉnh (1) P/B mục tiêu cho 2 dự án Paragon Đại Phước, Waterpoint giai đoạn 2 từ 1.3x lên 1.5x – tương đương với trung bình ngành hiện tại, (2) tăng giá bán tại Akari, Southgate theo sát thực tế 50 triệu đồng/m2và (3) dời năm cơ sở sang giữa năm 2024.

Dù thông tin khả quan với ngày 30/5 tới đây Nam Long sẽ chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, nhưng cổ phiếu NLG đã có những nhịp rung lắc và điều chỉnh sau tuần tăng khá tích cực trước đó. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NLG giảm nhẹ 100 đồng (-0,23%) từ mức 44.000 đồng/CP xuống 43.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPM

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP với giá mục tiêu 2024F là 42.000 đồng/CP (tương ứng upside 26% so với giá đóng cửa ngày 16/05/2024, đã bao gồm 4% tỷ suất cổ tức) dựa trên phương pháp định giá P/B với tỷ lệ mục tiêu bằng 1.3x tương đương mức trung vị 5Y.

Cũng như nhiều mã khác, cổ phiếu DPM không thoát khỏi pha giảm mạnh trong ngày cuối tuần 24/5, đã lấy đi gần hết thành quả có được trong những phiên trước. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu DPM tăng nhẹ 450 đồng (+1,28%) từ mức 35.100 đồng/CP lên 35.550 đồng/CP.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post345886.html