Điểm tựa giúp phụ nữ thoát nghèo
Để các hội viên Hội Phụ nữ tiếp cận gần hơn với nguồn vốn vay ưu đãi, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh cũng như các địa phương trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội LHPN triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng. Nhờ có nguồn vốn vay với lãi suất thấp mà nhiều hội viên phụ nữ đã có thêm điều kiện về tài chính, đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo.
Từng là hộ nghèo của bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), thế nhưng giờ đây, điều kiện kinh tế gia đình chị Tống Thị Đại đã khá giả hơn và từng bước vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt là từ khi được Hội LHPN xã Mường Nhé tạo điều kiện vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện. Với số vốn vay ban đầu, chị Đại đã đầu tư mua 2 con trâu giống về nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, chỉ sau 1 năm đàn trâu giống của gia đình đã bắt đầu sinh sản. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, năm 2022, chị Đại vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế.
Chị Đại bày tỏ: “Trước đây, cuộc sống gia đình chỉ trông vào nương sắn, nương ngô nên cuộc sống khá bấp bênh. Trong lúc khó khăn, năm 2021, gia đình may mắn được Hội LHPN xã giới thiệu vay vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH. Nhờ vậy mà gia đình mới tìm được hướng đi trong phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình đã gây dựng mô hình vừa nuôi trâu thịt, vừa nuôi trâu sinh sản với gần 10 con trâu, cho thu nhập khá ổn định…”.
Tương tự như chị Đại, gia đình chị Đỗ Thị Hạnh, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ 5, thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) cũng sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH. Trên cơ sở số tiền được vay, đến nay, gia đình chị Hạnh đã đầu tư xây dựng mô hình kinh doanh tổng hợp cho thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng...
Ngoài chị Hạnh, từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH huyện, hàng nghìn hộ gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã được vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó có nhiều hộ đã mạnh dạn đưa các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ. Thông qua hoạt động ủy thác vốn tín dụng, giai đoạn 2021-2024, Ngân hàng CSXH huyện đã ủy thác vốn vay ưu đãi cho nhiều hội viên Hội Phụ nữ; qua đó duy trì và phát triển có hiệu quả 65 mô hình kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Để làm được điều đó, đơn vị cùng với Hội LHPN huyện đã thực hiện tốt công tác ủy thác vốn tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, nguồn vốn ủy thác qua Hội LHPN không ngừng được nâng lên về dư nợ cũng như quy mô các chương trình tín dụng, kịp thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo hội viên phụ nữ khó khăn. Tính đến hết tháng 8/2024, tổng dư nợ ủy thác vốn vay thông qua Hội LHPN huyện quản lý là 130,6 tỷ đồng, thông qua 65 tổ TK&VV, với hơn 2.320 lượt hộ vay. Qua đó đã giúp cho hàng trăm lượt hộ gia đình phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện.
Nhằm giúp đỡ hội viên phụ nữ có điều kiện vươn lên trong phát triển kinh tế, ngân hàng CSXH luôn tạo điều kiện thuận lợi để chị em được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Cùng với Hội LHPN các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó tập trung khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng hộ nghèo của từng xã, thôn, bản theo đúng quy định; quan tâm đến các hộ gia đình phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ, động viên chị em tham gia sinh hoạt, làm thủ tục vay vốn. Hội LHPN các địa phương còn chú trọng đôn đốc, chỉ đạo Ban Quản lý tổ TK&VV tiến hành giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi, thực hành tiết kiệm của tổ viên, tăng cường chỉ đạo giám sát các phiên giao dịch. Để hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao, Hội phụ nữ các cấp cũng chủ động tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn hội viên vay vốn biết cách làm ăn và sử dụng vốn có hiệu quả, biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất…
Thông qua nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo. Từ đó có thể khẳng định nguồn vốn vay ưu đãi chính là điểm tựa giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ, góp phần thực hiện thành công các chương trình dự án giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.