Điểm sáng trong triển khai đài truyền thanh thông minh

Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh là điểm sáng của tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông triển khai đài truyền thanh thông minh (TTTM). Đây là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng.

Những năm qua, với lợi thế kịp thời, tiện ích, phủ sóng diện rộng… hệ thống truyền thanh cơ sở tại huyện Trùng Khánh luôn là loại hình thông tin chủ lực, phát huy tốt vai trò, chuyển tải kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến nhân dân. Trước đây, đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện là truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây) FM. Loại hình này có nhiều hạn chế như: chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết; do bị chi phối bởi địa hình nên việc kéo dây rất khó khăn và tốn kém ở những địa bàn xa trung tâm; vùng phát thanh bị giới hạn; dây truyền thanh chằng chịt, mất mỹ quan, nguy hiểm, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng.

Thực hiện công tác chuyển đổi số, xuất phát từ nhu cầu thông tin thiết yếu của nhân dân, từ năm 2019 - 2020, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện thử nghiệm một số bộ thu TTTM, lắp tổng đài TTTM. Trong đó, cụm loa TTTM là thiết bị lắp đặt tại các thôn, xóm, còn đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin lắp đặt tại trụ sở UBND xã hoặc tại Trung tâm. Một cụm loa TTTM cũng có những bộ phận tương tự cụm loa truyền thanh FM trước đây, gồm: hộp thiết bị, hệ thống dây điện, dây loa…, khác nhau về thiết bị trong hộp kỹ thuật. Khác biệt rõ nhất của đài TTTM so với đài truyền thống là về tổng đài. Tổng đài TTTM rất nhỏ gọn, gồm có một bộ mã hóa gốc, các thiết bị xử lý âm thanh, máy tính xử lý tín hiệu đầu vào và quản trị hoạt động của đài. Tổng đài TTTM dễ sử dụng hơn, có thể vận hành bất cứ lúc nào, không cần quá nhiều nhân sự và không cần trình độ công nghệ quá cao. Ngoài ra, loa TTTM còn hỗ trợ kết nối đa dạng WiFi, 4G, Ethernet; nguồn phát thông tin như: tệp tin, microphone, thiết bị số hóa, văn bản, tiếp sóng.

TTTM có nhiều ưu điểm vượt trội so với phát thanh FM, hệ thống thiết bị gọn nhẹ, đơn giản, lắp đặt sử dụng dễ dàng, thuận lợi cho nhân viên điều khiển; nhân sự vận hành cần ít hơn. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin nhanh chóng nhờ thiết bị sử dụng công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet, tuyên truyền viên, kỹ thuật viên của Trung tâm hoặc công chức văn hóa xã hội cấp xã có thể cài đặt lịch phát tự động cho các cụm truyền thanh tại các điểm trong phạm vi của toàn huyện hay tại một xã có các điểm lắp loa dù đang ở bất kỳ nơi đâu. Đồng thời, việc giám sát trạng thái hoạt động của từng chiếc loa, cụm loa, điều chỉnh âm lượng và nhận lệnh tạm dừng khi đang phát nội dung bất kỳ được thực hiện ngay trên phần mềm.

Các kỹ thuật viên Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh lắp đặt loa truyền thanh thông minh.

Các kỹ thuật viên Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh lắp đặt loa truyền thanh thông minh.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh Nông Ngọc Tân cho biết: Các đài TTTM tại huyện đều sử dụng thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn quy định trong Thông tư số 39/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hiện nay, 19 xã, 2 thị trấn của huyện có đài truyền thanh cơ sở, hệ thống loa TTTM có 150 cụm loa được lắp đặt tại 150 nhà văn hóa xóm đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền tại địa phương, đơn vị phấn đấu hết quý II/2024 sẽ hoàn thành lắp đặt đủ 203 bộ loa truyền thanh cho 203 nhà văn hóa xóm. Một số xóm trước đây thực hiện chủ trương sáp nhập nên không còn tên hành chính, trong khi nhóm hộ dân cư vẫn sinh sống tại đó, Trung tâm sẽ lập kế hoạch xin kinh phí bổ sung để lắp bù cho những điểm nhóm hộ dân cư này, qua đó, đảm bảo có gần 240 bộ thu TTTM để phục vụ nhân dân các thông tin thiết yếu.

Từ khi triển khai đến nay, đài TTTM nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các công chức văn hóa xã hội phụ trách đài truyền thanh xã và người dân địa phương. Đài không dây, giúp bảo đảm mỹ quan đô thị, cho chất lượng âm thanh tốt, tiếng trong, không lẫn tạp âm, có thể tiếp sóng trực tiếp hệ thống đài Trung ương, tỉnh và huyện, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chèn sóng, nhiễu sóng, thu âm và phát thanh mọi lúc, mọi nơi. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin hữu ích về các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông tin cảnh báo, thông báo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng… được người dân tiếp cận nhanh chóng, kịp thời.

Với nhiều tính năng vượt trội, đài TTTM đang dần khẳng định vị trí trong nỗ lực chuyển đổi số của địa phương, tích cực nâng cao hiệu quả công tác truyền thanh cơ sở, đặc biệt là tại địa bàn nông thôn, góp phần thực hiện Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin” của Dự án 6 thuộc “Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/diem-sang-trong-trien-khai-dai-truyen-thanh-thong-minh-3169420.html