'Điểm nóng' về dịch bệnh dại tại huyện Long Thành

Huyện Long Thành đang là 'điểm nóng' về dịch bệnh dại khi liên tiếp ghi nhận các ổ dịch chó dại. Không những thế, cả 2 người tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay đều ngụ huyện Long Thành.

Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành. Ảnh: H.Dung

Tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành. Ảnh: H.Dung

Huyện Long Thành cần khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm quản lý đàn chó, mèo, bao phủ vaccine phòng dại cho đàn vật nuôi, ngăn dịch bệnh dại tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Những con số “biết nói”

Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện Long Thành, huyện hiện có hơn 14,1 ngàn hộ gia đình nuôi 31,5 ngàn con chó, mèo. Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn huyện Long Thành đã xảy ra 4 ổ dịch chó dại/5 ổ dịch của toàn tỉnh. Các xã ghi nhận có ổ dịch chó dại gồm: Phước Bình, Phước Thái, Cẩm Đường, Bàu Cạn. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 6 con chó bị bệnh dại. Đáng lưu ý, trong số những người bị chó dại cắn, có 2 người đã tử vong do không đi tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 ổ dịch chó dại tại huyện Long Thành (4 ổ), huyện Cẩm Mỹ (1 ổ), 2 ca tử vong do bệnh dại.

Ổ dịch bệnh dại mới nhất được ghi nhận cách đây ít ngày trên địa bàn huyện Long Thành là ở tổ 7, ấp Cẩm Đường, xã Cẩm Đường. Gia đình nhà ông N.K.B. nuôi một con chó khoảng 2 năm tuổi. Ngày 26-3, con chó này đã cắn 2 con chó ở chung nhà và một con chó nhà hàng xóm. Ngày 27-3, con chó này tiếp tục cắn vào tay phải con của ông N.K.B. Đến ngày 29-3, con chó chết.

Sau khi nhận được tin báo của người dân, các lực lượng chức năng của địa phương đã đến nhà ông N.K.B. để lấy mẫu chó đi xét nghiệm. Kết quả sau đó khẳng định con chó dương tính với virus dại. Lực lượng chức năng đã tiêu độc khử trùng, hướng dẫn người bị chó cắn đi tiêm vaccine, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm quản lý đàn chó, mèo quanh khu vực nhà ông N.K.B.

Ông Võ Văn Cường, Trưởng trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện Long Thành, cho biết điểm đáng lưu ý là qua điều tra dịch tễ của các cơ quan chức năng cho thấy, xung quanh các ổ dịch chó dại, người dân nuôi chó, mèo khá nhiều nhưng phần lớn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Người dân vẫn còn thói quen nuôi chó, mèo thả rông, không rọ mõm chó, mèo, nguồn gốc vật nuôi tại địa phương, nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo ở trong rẫy.

Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo, Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế (cũ) tham mưu UBND huyện Long Thành chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo theo hình thức xã hội hóa. Kết quả từ đầu năm 2025 đến nay, các xã: Tam An, Cẩm Đường, Long Đức, Phước Thái, Phước An, Long Phước, An Phước, Long An, Bàu Cạn, Phước Bình, Lộc An, thị trấn Long Thành đã tổ chức tiêm hơn 4,5 ngàn liều vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo.

Bên cạnh đó, các cơ sở hành nghề thú y trên địa bàn huyện Long Thành đã tiêm được khoảng 3,5 ngàn liều vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo.

Năm 2024, huyện Long Thành đã tiêm hơn 20,6 ngàn liều vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo, đạt tỷ lệ 65,4%. Từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đã tiêm được khoảng 8 ngàn liều vaccine/tổng đàn 33,5 ngàn con chó, mèo.

Đảm bảo cung ứng đủ vaccine để tiêm cho người

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Minh Tân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành, cho biết 2 trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2025 đến nay đều rất đáng tiếc. Cả 2 người này sau khi bị chó cắn đều chủ quan cho rằng đó là chó nhà nuôi, chó còn nhỏ nên không đi tiêm vaccine phòng dại cũng như huyết thanh kháng dại. Đến khi phát bệnh thì không thể nào cứu chữa vì 100% người bị bệnh dại đều tử vong.

Theo bác sĩ Tân, dịch bệnh dại đã phát triển, lây lan âm ỉ trong cộng đồng trên địa bàn huyện từ năm 2024 đến nay. Năm 2024, huyện Long Thành có 9 ổ dịch dại ở các xã Phước Bình, Bàu Cạn, Cẩm Đường, Long An, Phước Thái, Tân Hiệp, thị trấn Long Thành. Các lực lượng chức năng đã tiêu hủy 12 con chó bị bệnh.

Để ngăn ngừa dịch bệnh dại lây lan rộng hơn nữa, Trung tâm Y tế huyện Long Thành tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với Trạm Chăn nuôi và thủy sản huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nuôi nhốt chó, mèo, tiêm vaccine phòng dại cho đàn vật nuôi.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền để người dân biết sự nguy hiểm của bệnh dại. Người dân nếu chẳng may bị chó, mèo cắn phải khẩn trương xử lý vết thương, đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại, không ăn thịt chó, mèo chết, không đi lấy nọc chó dại bằng phương pháp dân gian, không được chủ quan dù chó còn nhỏ, chó nhà nuôi hay chó thả rông.

“Thời điểm gần cuối tháng 2-2025, trung tâm tạm hết vaccine phòng dại để tiêm cho người. Tuy nhiên đến nay, trung tâm đã có đầy đủ vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại nhằm phục vụ nhu cầu của người dân” - bác sĩ Dương Minh Tân nói.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh phát động Tháng Tiêm phòng vaccine dại cho các đàn chó, mèo trên địa bàn quản lý từ ngày 30-3-2025 đến ngày 24-4-2025, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Riêng huyện Long Thành, lãnh đạo tỉnh yêu cầu UBND huyện nghiêm túc và khẩn cấp thực hiện việc tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn các xã có dịch và các xã xung quanh xã có dịch theo quy định. Chỉ đạo xử lý triệt để dịch bệnh dại trên địa bàn các xã có dịch, không làm phát sinh thêm ổ dịch mới. Đặc biệt, sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp và các đơn vị liên quan (nếu có) trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và môi trường tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Phối hợp, hướng dẫn các địa phương phát động tháng tiêm phòng vaccine dại cho các đàn chó, mèo đợt 1-2025.

Trong khi đó, Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn y tế phối hợp với cơ quan thú y kịp thời chia sẻ thông tin người đi tiêm phòng vaccine dại; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202504/diem-nong-ve-dich-benh-dai-tai-huyen-long-thanh-b423a76/