'Điểm mặt' nợ xấu ở hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh
Kết thúc năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh ở mức 1,21% tổng dư nợ. Có thể xem đây là 'chuyến lội ngược dòng' thành công khi vào cuối năm ngoái, tỷ lệ này còn chiếm 3,28%...
Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp từ đầu năm để kiểm soát nợ xấu như trích lập, xử lý quỹ dự phòng rủi ro; thu hồi nợ quá hạn...
Chẳng hạn như BIDV Hà Tĩnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào đầu tháng 11 chỉ còn 4,26%, dù con số vẫn cao nhưng so với hồi cuối năm ngoái thì tỷ lệ này đã giảm 18,56% do chi nhánh đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Cùng với đó, Vietcombank Hà Tĩnh, Tecombank... cũng là những cái tên được nhắc nhiều trong việc rút ra khỏi nhóm có tỷ lệ nợ xấu tăng. Nhóm kiểm soát chất lượng tín dụng tốt còn có HDBank, BIDV Kỳ Anh, Maritime Bank (MSB) và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... khi nợ xấu là 0%.
Trong khi đó, Ocenbank Hà Tĩnh đang “chiếm giữ” vị trí đầu bảng về tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống với 55,34% tổng dư nợ. Điều đáng nói, nợ xấu ở ngân hàng này có chiều hướng tăng lên so với đầu năm (tăng 0,83%). Tiếp đó, tỷ lệ nợ xấu ở VP Bank tăng 0,47% kể từ đầu năm nay, đạt 3,98%.
Bà Phạm Thị Ngọc Hoa - Giám đốc SHB Hà Tĩnh chia sẻ: “Ngoài việc tuân thủ các quy định về các chính sách tín dụng, thẩm định cho vay cẩn trọng thì còn phải nhận định sớm tình hình, đối với những món vay có thể giải quyết được, cần xử lý trước khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, kinh doanh ngân hàng thường xuyên đối mặt với rủi ro và gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi”.
Hiện nay, nợ xấu nội bảng của toàn ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt gần 590 tỷ đồng từ nhóm 3 đến nhóm 5, trong đó có đến trên 480 tỷ đồng thuộc nhóm 5 - nợ khả năng mất vốn. So với năm ngoái, nhóm này tăng 122 tỷ đồng, tăng 33,7%. Nợ xấu đang tập trung vào các khoản vay như đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển thủy sản”; các dự án chăn nuôi bò Bình Hà, Thép Vạn Lợi... không thu hồi được nợ.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Nợ xấu cho vay tàu cá theo Nghị định 67 thậm chí không có chiều hướng giảm mà còn tăng lên. 9/11 tàu đã phát sinh nợ xấu, chiếm 77% dư nợ cho vay đối tượng này. Điều đáng nói, việc tiếp cận các chủ nợ của ngân hàng thương mại khó khăn, chủ tàu thiếu phối hợp, chây ì trả nợ nên việc xử lý số nợ xấu này rất phức tạp”.
Cùng với đó thì những dịch họa dồn dập xảy ra trong năm qua trên bức tranh kinh tế xã hội, cháy rừng, lũ lụt, đặc biệt là tổn thất nặng nề của dịch tả lợn châu Phi đã trở thành nguy cơ cao cho nợ xấu phát sinh.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến cho rằng, việc thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng không chỉ đến từ nội lực, kể cả hiện nay, khi ngân hàng đã được tháo gỡ nhiều ràng buộc bằng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu. Trên thực tế, ngân hàng vẫn thiếu đi sự phối hợp, đồng hành của chính quyền địa phương, các ngành liên quan về những vấn đề như: xử lý tài sản đảm bảo, tuyên truyền, có giải pháp hành chính để thu hồi nợ xấu...
Tuệ Anh
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/kinh-te/diem-mat-no-xau-o-he-thong-ngan-hang-ha-tinh/183295.htm