Sửa đổi Luật Đầu tư: Giảm thủ tục, thời gian nhưng không giảm chất lượng dự án
Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi có bổ sung loạt quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút FDI, song vẫn tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư.
Áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, thời gian thực hiện dự án rút ngắn đáng kể
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo giải trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), gửi các đại biểu Quốc hội.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình rất rõ các quy định liên quan về thủ tục đầu tư đặc biệt - là vấn đề được rất nhiều đại biểu quốc hội quan tâm trong phiên thảo luật tổ vừa qua khi góp ý vào Dự thảo Luật Đầy tư sửa đổi, bổ sung.
"Đối tượng áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt gồm các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau: Dự án đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn và các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao ưu tiên đầu tư theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ", Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình rõ.
Trong trường hợp được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, nhà đầu tư sẽ không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong các lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao khoa học công nghệ và phòng cháy, chữa cháy.
Trong báo cáo giải trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày. Trên thực tế, thời gian có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Tại Tờ trình số 675/TTr-CP ngày 18/10/2024, Chính phủ đã nêu rõ thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
"Việc xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ rút ngắn được đáng kể thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các nhà đầu tư chiến lược", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Không đánh đổi môi trường để thu hút vốn FDI
Liên quan tới quy định tại khoản 7 Điều 36a của Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (cắt giảm thủ tục liên quan tới chấp nhận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng), một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ vì sợ “lọt lưới” các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đã rà soát các quy định liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Tại công văn số 6686/BTNMT-KHTC ngày 30/9/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thống nhất chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính về thẩm định đánh giá tác động môi trường; chủ dự án có trách nhiệm tự đánh giá tác động đến môi trường trong hồ sơ đăng ký đầu tư; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo các cam kết về môi trường trong hồ sơ này; cơ quan nhà nước thực hiện hậu kiểm và giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép môi trường trước khi dự án đi vào vận hành
Như vậy, việc dự thảo quy định nhà đầu tư không phải “lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”, mà chỉ phải “thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” là bảo đảm tính khả thi và đồng bộ với pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ, thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ áp dụng đối với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao nên trường hợp dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là theo các tiêu chí về quy mô, công suất, diện tích sử đất... Mặt khác do đây là các lĩnh vực công nghệ cao nên sẽ nhằm thu hút các nhà đầu chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín trong các lĩnh vực nêu trên.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ áp dụng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế là những khu vực độc lập, có ranh giới rõ ràng, hoàn thiện về hạ tầng, bảo đảm về quy hoạch, xây dựng, đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, qua đó, cho phép bảo đảm cơ sở kiểm soát quá trình triển khai thực hiện dự án, phòng tránh rủi ro.
“Như vậy, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định này, không có tình trạng đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.