Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 29/7 đến 2/8

Tỷ giá trung tâm giảm 7 đồng, chỉ số VN-Index giảm 5,51 điểm (-0,44%) so với cuối tuần trước đó hay chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 29/7 đến 2/8.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tổng quan

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam 7 tháng đầu năm nằm trong tầm kiểm soát, CPI cả năm nay được dự báo trong ngưỡng mục tiêu.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê nhận định, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2024 tăng so với tháng trước.

Cụ thể, trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định. Cụ thể, trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm. Nhóm này tăng chủ yếu do: Giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng…

Tiếp đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; chủ yếu do các nguyên nhân: giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%; giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%. Riêng giá gas giảm 0,01% so với tháng trước do một số cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 tăng 0,26%, đẩy CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,23%; nhà khách, khách sạn tăng 0,43% do tháng 7 học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,19%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,08%. Nguyên nhân do trong tháng 7/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp…

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Mặc dù CPI 7 tháng đầu năm ở mức khá cao, trong dự báo của các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước cập nhật gần đây, CPI cả năm nay được dự báo vẫn trong ngưỡng mục tiêu. Đơn cử, bản cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của ADB công bố giữa tháng 7 dự báo lạm phát ở mức 4% trong năm nay (không thay đổi so với dự báo đưa ra vào tháng 4). Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra hai kịch bản lạm phát năm nay: dự báo CPI bình quân tăng 4,31% (ở kịch bản tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55%); và CPI bình quân tăng 4,12% (ở kịch bản tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%).

Theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát nửa cuối năm, đảm bảo CPI bình quân từ mức 4% - 4,5% trong năm 2024, các chuyên gia vẫn cho rằng, có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ với lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát, nghĩa là vẫn kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh, gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân.

Bên cạnh đó, bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh thực thi chính sách tiền tệ đi trước xu hướng chính sách các ngân hàng trung ương trên thế giới. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý, trong đó các bộ ngành chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng này, tránh dồn vào các tháng cuối năm hoặc cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, giảm bớt áp lực cho việc điều hành giá, kiểm soát lạm phát.

Thêm nữa, Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 29/7 đến 2/8

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 29/7 đến 2/8, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt ngày 2/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.242 VND/USD, giảm 7 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.

Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 29/7 - 2/8 giao dịch theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 2/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.213 VND/USD, giảm mạnh 97 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do biến động giảm ở hầu hết các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 2/8, tỷ giá tự do giảm 90 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.600 VND/USD và 25.700 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần từ 29/7 đến 2/8, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 2/8, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,77% (-0,16 điểm phần trăm); 1 tuần 4,83% (-0,17 điểm phần trăm); 2 tuần 4,88% (-0,12 điểm phần trăm); 1 tháng 5,0% (-0,02 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 2/8, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,30% (không thay đổi); 1 tuần 5,36% (+0,02 điểm phần trăm); 2 tuần 5,40% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,44% (+0,01 điểm phần trăm).

Trên thị trường mở tuần qua từ 29/7 - 2/8, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 28.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 23.965,73 tỷ đồng trúng thầu, có 59.044,97 tỷ đồng đáo hạn tuần qua.

NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 61.300 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,50%; có 48.100 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.

Như vậy, NHNN hút ròng 48.279,24 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 23.965,73 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 77.500 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu, ngày 31/7, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công 5.020 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 44%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động thành công toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 3.950 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, 30 năm huy động được 70 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm gọi thầu 3.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,94% (+0,09 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), 10 năm là 2,76% (không đổi), 30 năm là 3,10% (không đổi).

Trong tuần này, ngày 7/8, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 11.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 6.000 tỷ đồng, 15 năm 3.000 tỷ đồng và 20 năm chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.188 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 17.299 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động nhẹ ở các kỳ hạn 5 năm-15 năm. Chốt phiên 2/8, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,88% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,89% (không đổi); 3 năm 1,91% (không đổi); 5 năm 1,98% (-0,005 điểm phần trăm); 7 năm 2,30% (+0,003 điểm phần trăm); 10 năm 2,79% (-0,01 điểm phần trăm); 15 năm 2,96% (-0,001 điểm phần trăm); 30 năm 3,19% (không đổi).

Thị trường chứng khoán, trong tuần từ 29/7 - 2/8, các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 2/8, VN-Index đứng ở mức 1.236,60 điểm, giảm 5,51 điểm (-0,44%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 5,10 điểm (-2,15%) còn 231,56 điểm; UPCoM-Index giảm 1,41 điểm (-1,48%) về mức 93,77 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 18.100 tỷ đồng/phiên, cải thiện nhẹ từ mức 17.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng gần 550 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp cuối tháng 7, bên cạnh đó quốc gia này đón nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong cuộc họp ngày 31/7, Fed nhận định các hoạt động kinh tế thángỹ vẫn mở rộng một cách vững chắc. Số việc làm tăng lên ở tốc độ vừa phải, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhưng vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, lạm phát đã hạ nhiệt trong một năm vừa qua nhưng phần nào đó vẫn ở mức cao. Những tháng gần đây đã có thêm một số tiến bộ trong việc hướng lạm phát về mức mục tiêu 2,0%. Ủy ban chính sách tiền tệ (FOMC, thuộc Fed) đánh giá rủi ro trong quá trình đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đang trở nên cân bằng hơn. Triển vọng kinh tế là không chắc chắn và FOMC sẽ chú ý tới rủi ro ở cả hai bên trong nhiệm vụ kép của mình.

Theo đó, FOMC quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp này ở mức 5,25% - 5,50%. FOMC cho rằng việc giảm lãi suất chính sách sẽ phù hợp khi FOMC có niềm tin vững chắc hơn rằng lạm phát đang tiến tới 2,0% một cách bền vững.

Liên quan đến kinh tế Mỹ, tổ chức Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức 100,3 điểm trong tháng 7 từ mức 97,8 điểm của tháng 6, vượt qua mức 99,7 điểm theo dự báo. Tiếp theo, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) công bố PMI lĩnh vực sản xuất tại quốc gia này ở mức 46,8% trong tháng 7, giảm xuống từ 48,5% của tháng 6 và trái với kỳ vọng tăng lên 48,8%. Đây là mức PMI sản xuất thấp nhất mà nước Mỹ ghi nhận kể từ sau tháng 11/2023 cho tới nay.

Tại thị trường lao động, thu nhập bình quân tại Mỹ trong tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng của tháng 6 và cũng là dự báo ở 0,3%. Trong tháng 7 vừa qua, nước Mỹ chỉ tạo ra 114 nghìn việc làm mới, thấp hơn mức 179 nghìn của tháng 6 và đồng thời thấp hơn mức 176 nghìn theo dự báo. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 7 tăng lên mức 4,3%, trái với dự báo đi ngang ở mức 4,1% như kết quả thống kê tháng 6.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) giảm lãi suất chính sách trong tuần qua. Ngày 1/8, BoE cho biết tăng trưởng kinh tế Anh những tháng đầu năm mạnh hơn dự kiến khi nhìn vào dữ liệu hết tháng 5. Bên cạnh đó, lạm phát CPI 12 tháng đã giảm trở lại mục tiêu 2,0% trong tháng 5 và tiếp tục duy trì ở mức này trong tháng 6, có thể tăng nhẹ trở lại ở cuối 2024 tuy nhiên sẽ giảm trở lại trong những năm tới, lần lượt xuống 1,7% sau 2 năm và 1,5% sau 3 năm.

Hội đồng chính sách tiền tệ của BoE (MPC) thông qua quyết định hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, từ mức 5,25% xuống còn 5,0% với tỷ lệ 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. MPC khẳng định theo đuổi mục tiêu lạm phát 2,0% và duy trì tăng trưởng việc làm một cách bền vững.

Sau cuộc họp, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết cơ quan này thực hiện cắt giảm lãi suất hi áp lực lạm phát đã giảm, tuy nhiên vẫn cần cẩn trọng trong việc cắt giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá lớn. Lạm phát cần ở mức thấp và ổn định để hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Liên quan đến kinh tế Anh, chỉ số giá nhà tại nước này tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 7, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức tăng 0,1% theo dự báo.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-297-den-28-154283.html