Điểm gợn từ trạm dừng chân trên đường cao tốc...

Cuối tuần trước, chúng tôi có dịp đi xuyên suốt đường cao tốc TPHCM - Nha Trang. Trải nghiệm trên tuyến đường thiệt đã: êm ru, tốc độ cao, có đoạn vận tốc cho phép chạy 90km/giờ, có đoạn được chạy 120km/giờ. Nhìn chung thời gian đã rút ngắn rất nhiều, nếu trước đây có khi phải đi một ngày thì nay chỉ còn khoảng 5 giờ chạy xe. Vấn đề còn gợn trong suy nghĩ của chúng tôi đó là các trạm dừng chân.

Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình

Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình

Hiện nay, tuyến đường cao tốc dài gần 400km nhưng chỉ có 1 trạm dừng chân hiện đại, quy củ nhất là Trạm dừng nghỉ cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá cả ở đây khá cao. Ví dụ, một chai nước suối LaVie 500ml giá bán 10.000 đồng, trong khi giá bán ở các tiệm tạp hóa là 5.000 đồng; một gói thuốc lá Sài Gòn bạc là 30.000 đồng nhưng ở tiệm tạp hóa là 14.000 đồng. Tất nhiên, các mặt hàng khác cũng có giá bán cao hơn hẳn. Vấn đề đặt ra ở đây, lý do gì khiến cho hàng bán trên trạm dừng chân cao tốc lại đắt đỏ hơn so với mức giá bình thường? Nên nhớ, đường cao tốc hầu hết chạy xuyên các vùng vắng dân cư, đất nông nghiệp giá trị khá thấp, vậy giá thành bán tại trạm dừng chân dựa trên cơ sở nào mà lại đẩy lên cao?

Thêm chi tiết đáng lưu ý, phải chăng vì mặc định trạm dừng chân trên đường cao tốc là “con gà đẻ trứng vàng” nên cho tới giờ này việc mở thêm trạm dừng chân trên tuyến đường cao tốc này vẫn còn lăn tăn, chỉ có thêm các trạm dừng chân tạm. Mà có đi đến nơi mới hiểu được chữ “tạm”: lèo tèo là nhà tạm mái tôn, nơi đi vệ sinh cũng rất tạm bợ, chỉ dành cho người có nhu cầu khẩn cấp!

Chuyến đi hôm ấy may mắn là chúng tôi được tài xế thạo tuyến đường đưa vào một trạm dừng chân của tư nhân trên đường rẽ xuống TP Phan Thiết. Ở đó có đủ thứ, ăn uống no nê nhưng giá cả rất bình dân. Sau đó, chúng tôi phát hiện thêm một trạm dừng chân khác nằm trên đường rẽ xuống xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vì nằm ẩn sâu bên trong nên không dễ để nhà xe nhìn thấy.

Từ vấn đề kể trên có thể thấy rằng, khi chúng ta đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng làm đường cao tốc Bắc - Nam nhằm rút ngắn thời gian đi lại, cũng như giảm giá cước vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển đất nước thì hà cớ gì phải đắn đo trong việc đầu tư xây dựng những trạm dừng chân? Lúc đó, sự cạnh tranh sòng phẳng bằng giá cả, chất lượng phục vụ sẽ đào thải những trạm dừng chân nào áp giá “cắt cổ”, dịch vụ kém. Và cuối cùng, được hưởng lợi lớn nhất sẽ là người dân - họ chính là đối tượng nộp ngân sách để đầu tư hạ tầng và chính họ sẽ cảm nhận được giá trị của tiền thuế mà mình đã nộp.

LƯƠNG THIỆN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/diem-gon-tu-tram-dung-chan-tren-duong-cao-toc-post745726.html