Dịch sởi ở TP.HCM dần được kiểm soát, Bộ Y tế chỉ đạo không lơ là, chủ quan

Sởi ở TP.HCM đang dần được kiểm soát sau hơn 1 năm chống dịch. Bộ Y tế chỉ đạo không chủ quan, tăng cường tiêm chủng và điều trị, ngăn nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Ngày 28-3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Văn Thuấn làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Hạn chế chuyển tuyến lên TP.HCM

Bác sĩ chuyên khoa 2 Cao Minh Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết số ca bệnh sởi tại bệnh viện gia tăng từ tháng 6-2024, đỉnh điểm là tuần 50 với gần 250 ca. Hiện nay bệnh sởi đã có xu hướng giảm.

 Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Năm 2024, bệnh viện điều trị gần 3.400 ca sởi, trong đó có gần 640 ca nặng. Trong 3 tháng đầu năm 2025 điều trị 1.520 ca sởi nhập viện, trong đó có gần 300 ca nặng, không có ca tử vong. Trong số các ca sởi nhập viện, tỉ lệ bệnh nhi ở tỉnh là gần 2.400 ca, chiếm hơn 70%.

“Bệnh viện đã chủ động kế hoạch chi tiết các phương án từ đầu năm để không bị động trong phòng chống dịch. Sắp tới để công tác phòng chống dịch sởi đạt hiệu quả hơn, bệnh viện kiến nghị tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến, vì các tỉnh hiện nay đều có thể điều trị được bệnh sởi.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tiêm ngừa bệnh sởi tại các tỉnh” - bác sĩ Hiệp nói.

 Đoàn công tác Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân điều trị sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đoàn công tác Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân điều trị sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay số ca bệnh sởi ở TP.HCM đang giảm. Tuy nhiên, số ca nhập viện vẫn cao, điều này cho thấy nguy cơ vẫn còn.

Thêm nữa, công tác phân tuyến hiện chưa tốt, ca bệnh ở các tỉnh đổ về TP.HCM còn rất đông. Ví dụ, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 1.000 ca bệnh thì chỉ có 200 ca là phải nhập viện điều trị tại đây, còn đến 800 ca là không cần.

 Hiện nay bệnh sởi ở TP.HCM đã có xu hướng giảm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hiện nay bệnh sởi ở TP.HCM đã có xu hướng giảm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo ông Đức, Bệnh viện Nhi đồng 1 là cơ sở điều trị chuyên sâu, cần dùng trong việc điều trị bệnh nặng. Những bệnh nhân bị nhẹ cũng đổ về đây sẽ làm tăng mật độ virus, dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo và không giải quyết được vấn đề.

“Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh hoàn toàn có thể điều trị được bệnh sởi. Không thể chỉ sốt nhẹ là ôm con chạy đến bệnh viện tuyến cuối, làm tăng khả năng bệnh nặng chứ không tốt hơn” - ông Đức nhấn mạnh.

 Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiểm tra tình hình điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiểm tra tình hình điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện

Mới đây, phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh sởi mới nhất đã được hoàn thiện và công bố. Ông Đức đề nghị ngành y tế TP.HCM tiếp tục kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện, tham gia tập huấn phác đồ điều trị sởi mới cho các tỉnh lân cận, đặc biệt là vùng Tây Nguyên.

“Thời gian tới, ngành y tế và giáo dục cần phối hợp để đưa ra quy định trẻ muốn đến trường cần có hồ sơ tiêm chủng. Những trẻ không có phiếu tiêm chủng sẽ không được vào trường, điều này giúp gắn quyền lợi và trách nhiệm của gia đình với trường học. Kiểm soát được tiêm chủng, giúp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn” - ông Đức nhấn mạnh.

 Năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị gần 3.400 ca sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị gần 3.400 ca sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cho hay đến nay cả nước ghi nhận hơn 52.000 ca mắc sởi, nhưng con số thực tế còn cao hơn, phần lớn ở phía Nam.

Tuy nhiên số ca mắc mới ở tuần qua đã giảm mạnh, hy vọng trong thời gian tới ở phía Nam sẽ hết dịch trước.

Trong khi đó, sau khi nghỉ Tết, miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã lan rộng ca bệnh sởi, tình hình rất căng thẳng.

 Bệnh nhi mắc sởi ở TP.HCM đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi mắc sởi ở TP.HCM đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu hoàn thành chiến dịch tiêm bù, tiêm vét trước ngày 31-3. Thông thường, sau tiêm chủng 2 tuần sẽ đạt được miễn dịch, nếu sau ngày này tỉnh nào để xảy ra số ca mắc cao là những địa phương tiêm chủng không tốt. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của địa phương này” - ông Sơn nhấn mạnh.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị Sở Y tế TP.HCM giao bệnh viện trên địa bàn TP trang bị đầy đủ thuốc, thiết bị y tế trong công tác khám chữa bệnh nói chung và sởi nói riêng; TP.HCM không chủ quan, tiếp tục rà soát, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng phòng ngừa bệnh sởi, đặc biệt là các đối tượng di biến động dân cư.

Toàn cảnh bức tranh chống dịch sởi ở TP.HCM

Ngày 23-5-2024, các ca sởi ở TP.HCM đầu tiên đã sớm được phát hiện sau hơn 2 năm không ghi nhận ca bệnh trên địa bàn TP.

Ngày 27-8-2024, UBND TP ban hành quyết định công bố dịch sởi ở TP.HCM. Đây là cơ sở pháp lý để TP thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát dịch sởi ở TP.HCM. TP đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để mua vaccine phòng chống dịch.

Ngày 31-8-2024, chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đã được triển khai trên toàn TP.

Ngày 12-11-2024, TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Y tế.

Chiều 27-3, UBND TP.HCM ký quyết định công bố hết dịch sởi tại 22 phường, xã ở ba quận, huyện do đáp ứng đủ điều kiện hết dịch theo quy định. Sau khi công bố hết dịch sởi ở TP.HCM, TP tiếp tục các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca nghi sởi trong cộng đồng và trường học để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

LÊ HỒNG NGA, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC)

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dich-soi-o-tphcm-dan-duoc-kiem-soat-bo-y-te-chi-dao-khong-lo-la-chu-quan-post841310.html