Di sản Huế giàu tiềm năng phát triển kinh tế xanh và kinh tế số

Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản làm nền tảng.

Ngày 6-12,Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề "Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên - Huế".

Hiến kế cho Huế

Diễn đàn quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước. Diễn đàn xoay quanh các nội dung là kinh tế xanh, kinh tế di sản và kinh tế số. Qua đó đã đưa ra một số định hướng nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản cố đô Huế. Trong đó kinh tế di sản làmột lĩnh vực kinh tế đặc thù của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhã nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Nhã nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa để phát triển du lịch.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định, với 8 di sản thế giới UNESCO, trong đó có 6 di sản độc đáo của riêng mình, Huế nắm giữ vị thế đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

Lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc, và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng, hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh…. Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác.

Ký kết hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với Viện Nghiên cứu kiến trúc và đô thị Hàn Quốc.

Ký kết hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với Viện Nghiên cứu kiến trúc và đô thị Hàn Quốc.

"Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo" – ông Trung đúc kết.

Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Huế (thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam) là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á; trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Trong quy hoạch về di tích, hệ thống di sản cố đô Huế có 30 giá trị để nhận diện, được chia làm 4 loại: Giá trị văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế; giá trị kiến trúc nghệ thuật; giá trị sinh thái, cảnh quan và vị thế; giá trị xã hội. Từ đó đã cho Huế một số lợi thế để phát huy giá trị, thừa hưởng thành quả kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản.

Những mô hình phát triển kinh tế xanh

Đó là không gian di sản y học – Thái Y viện. Đây vốn là nơi chăm sóc sức khỏe cho hoàng tộc triều Nguyễn, lưu giữ nhiều bài thuốc cổ truyền và kiến thức y học cung đình. Theo ông Trung, nó không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn chứa đựng giá trị kinh tế thông qua khai thác du lịch và dịch vụ y học cổ truyền.

Festival là một đặc sản để phát triển kinh tế xanh dựa trên di sản của Huế.

Festival là một đặc sản để phát triển kinh tế xanh dựa trên di sản của Huế.

"Du khách có thể tham gia các chương trình trị liệu như bấm huyệt, xông hơi, dùng các bài thuốc cổ truyền. Có thể phát triển thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Tăng nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe, đồng thời thúc đẩy việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề liên quan đến y học cổ truyền" – ông Trung cho biết.

Với các dòng sông trong Hoàng thành, kết nối ra các sông Ngự Hà, sông Đông Ba là di sản độc đáo,vừa mang giá trị lịch sử vừa sở hữu tiềm năng khai thác kinh tế to lớn. Chúng có tiềm năng phát triển kinh tế như khai thác các tour du lịch đường thủy, dịch vụ ẩm thực, tái hiện lịch sử bằng các công nghệ trình diễn để thu hút khách…

Hệ thống thượng thành, thủy đạo trong Hoàng thành Huế sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cho di sản Huế.

Hệ thống thượng thành, thủy đạo trong Hoàng thành Huế sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cho di sản Huế.

Còn Thượng thành, một phần của Hoàng thành Huế, không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là khu vực giàu tiềm năng để phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm như đạp xe, đi bộ, dã ngoại… kết hợp với không gian xanh bao quanh. Các tuyến trải nghiệm thượng thành cũng giúp cho du khách hình dung ra được tính chất lịch sử, công năng sử dụng tại các eo bầu….

Đặc biệt, festival là cách hiệu quả để quảng bá di sản văn hóa Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để tăng cường giao lưu văn hóa, kích cầu du lịch và tạo ra các giá trị kinh tế từ các hoạt động dịch vụ đi kèm.

Theo ông Trung, việctổ chức festival hằng năm, festival 4 mùa, Festival chuyên đề… đã mang tới hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương. Từ đó gia tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham dự các sự kiện.Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, nghệ nhân quảng bá sản phẩm và dịch vụ, đồng thời xây dựng thương hiệu Huế như một điểm đến văn hóa đẳng cấp quốc tế.

"Chúng ta có thể thấy việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để Huế tối ưu hóa giá trị cảnh quan và sinh thái" – ông Trung khẳng định.

Quang Nhật; ảnh: Lê Đình Hoàng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/di-san-hue-giau-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-xanh-va-kinh-te-so-196241206154818522.htm